Năm 2024 chứng kiến sự phục hồi ấn tượng của kinh tế Việt Nam. Nhưng, năm 2025 sẽ là một bài kiểm tra cho khả năng bứt phá trong phát triển kinh tế. Giữa bối cảnh ấy, đổi mới sáng tạo không chỉ là một khẩu hiệu mà là "chìa khóa" để Việt Nam mở cánh cửa tăng trưởng.
Báo cáo "Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025," do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện và tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) công bố ngày 14/1, đã chỉ ra những dư địa và giải pháp để hiện thực hóa tiềm năng này đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ.
"Áp lực" tích cực cho những cải cách quyết liệt
Tại hội thảo công bố báo cáo, tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, dự báo tình hình thế giới và khu vực trong năm 2025 sẽ khá phức tạp. Tại thời điểm này, các kịch bản xung quanh việc Mỹ gia tăng các biện pháp thuế quan và các công cụ chính sách thương mại khác còn nhiều bất định. Bên cạnh đó, những bất ổn chính trị ở nhiều nước cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư, thương mại, chuyển đổi xanh... Khoa học-công nghệ đang phát triển nhanh đồng thời tạo ra sự thay thế cho việc làm của con người và phân bổ lao động quốc tế đang dần hiện hữu.
Dự báo năm 2025: Kinh tế thế giới duy trì mức tăng trưởng 2,8%
Tăng trưởng giảm tốc phản ánh những khó khăn của cơ cấu kinh tế thế giới như đầu tư yếu, năng suất giảm, nợ công tăng cao và áp lực về nhân khẩu học.
Trong bối cảnh ấy, tiến sỹ Hồng Minh nhấn mạnh giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội là một yêu cầu cần thiết, song “không dễ” và “không đủ." Theo bà, bối cảnh bất định ấy không chỉ toàn “màu xám," bởi nó cũng mở ra không ít cơ hội phát triển cho các nước thu nhập trung bình. Trong đó, khu vực Đông Nam Á đang có nhiều tiềm năng phát triển nhanh. Điều quan trọng là phải tận dụng tối đa các cơ hội thông qua các cải cách thể chế kinh tế và nâng cao năng lực cho các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động một cách kịp thời nhất.
Năm 2024 Việt Nam ghi nhận những kết quả kinh tế-xã hội ấn tượng và toàn diện, tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét và đạt 7,09%. Bên cạnh đó, lạm phát được kiềm chế ở mức 3,63% và thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Quốc hội. Quan trọng hơn, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào triển vọng kinh tế trở nên tích cực hơn. Điều này thể hiện phần nào qua các con số như vốn FDI thực hiện đạt tới 25,35 tỷ USD, kiều hối ước đạt tới 16 tỷ USD.
Bên cạnh đó, người đứng đầu CIEM chia sẻ Đảng, Nhà nước đã chủ động hoàn thiện khung chính sách cho đổi mới sáng tạo. Trong đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Điều đó đã tạo ra không khí hứng khởi cho cộng đồng khoa học trong thời gian gần đây.
“Với các chính sách kịp thời và có chất lượng để phát triển các công nghệ mới, Việt Nam đã trở thành ‘quê hương mới’ của nhiều nhà đầu tư lớn. Dư địa chính sách cho đổi mới sáng tạo còn rất nhiều và cần có sự kết nối với chính sách phát triển các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo...). Điều này cần làm sớm thông qua cách tiếp cận thử nghiệm chính sách,” bà Hồng Minh đề xuất.
Ở một phương diện khác, bà Hồng Minh phân tích Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến có kết nối sâu rộng đến các thị trường. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng đã chỉ đạo triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và thúc đẩy FTA với một số đối tác mới, trong đó có các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, hay ủng hộ Anh tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Song, bà Hồng Minh cũng thẳng thắn chỉ ra không ít khó khăn, thách thức, như rủi ro về bẫy thu nhập trung bình, các yếu tố tạo động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh... Với tâm thế ấy, bà Minh tin tưởng các khó khăn, thách thức có thể trở thành “áp lực" tích cực để Việt Nam quyết liệt hơn trong việc thực hiện các cải cách kinh tế có tính căn bản, trong đó tập trung vào đổi mới sáng tạo và hội nhập. Đây là nền tảng để kinh tế đất nước hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cho năm 2025 và các thập niên tiếp theo.
Hội nhập sâu rộng và bài toán chuỗi giá trị
Trình bày nội dung báo cáo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, nhấn mạnh bên cạnh những thành tựu kinh tế, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một điểm đến có kết nối sâu rộng đến các thị trường. Do đó, việc triển khai hiệu quả các FTA đã ký kết và thúc đẩy FTA với đối tác mới (cũng như ủng hộ các nước khác tham gia vào CPTPP) là minh chứng cho sự chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn trong việc tận dụng lợi thế hội nhập, đặc biệt là bài toán về chuỗi giá trị toàn cầu.
“Dù duy trì xuất khẩu khá tích cực, song tỷ trọng giá trị gia tăng nội địa trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lại có xu hướng giảm. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Dương nói.
Cụ thể, báo cáo của CIEM đã nêu ra một số nguyên nhân, như doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có sẵn mạng lưới, trong khi trình độ lao động trong nước thấp, doanh nghiệp thiếu kênh thông tin về chiến lược mua hàng của FDI và khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ còn hạn chế.
“Việc các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ để cùng tham gia chuỗi giá trị do một số nguyên nhân quan trọng,” ông Dương nói.
Với quá trình hội nhập kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức được vai trò quan trọng của việc tham gia tích cực hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Về điều này, báo cáo đánh giá cao những nỗ lực đổi mới và nâng cao năng lực của nhiều doanh nghiệp nội địa, mặc dù ở vị trí thấp hay cao trong chuỗi.
“Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực đổi mới, nâng cao năng lực, cả về tổ chức sản xuất và ứng dụng khoa học-công nghệ để có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng,” ông Dương nhận xét.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra một thách thức mới trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững. Cụ thể là các quy định xanh và xu hướng xuất khẩu xanh.
Theo ông Dương, các quy định xanh sẽ trở thành "luật chơi" bắt buộc trên thị trường quốc tế kể từ năm 2025 và có thể trở thành rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Cụ thể, báo cáo nhấn mạnh các quy định xanh có xu hướng gia tăng. Các biện pháp phi thuế quan như thế này sẽ thường xuất hiện dưới dạng những tiêu chuẩn về môi trường sản xuất, trình độ công nghệ sản xuất, xử lý chất thải, giải pháp tận thu, sử dụng, tái chế chất thải, giảm thiểu phát thải, tổ chức quản lý…
Bên cạnh những thách thức, báo cáo cũng cho thấy xuất khẩu xanh có thể mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam, thông qua thúc đẩy đổi mới khoa học và công nghệ cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, các quy định về công nghệ bảo vệ môi trường, sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Điều này sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp và góp phần thu hút đầu tư có chất lượng hơn./.