Việt-Lào chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cải cách tư pháp

Chia sẻ với đoàn cán bộ Lào, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết cải cách tư pháp được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Ông Trương Hòa Bình (phải) tiếp đông Bounkeut Sangsomsak đang thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chia sẻ những kinh nghiệm về công tác đổi mới tổ chức và hoạt động cải cách tư pháp của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực tòa án, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết cải cách tư pháp được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, được Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra tại các văn kiện Đại hội.

Trong buổi tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do Bộ trưởng Bounkeut Sangsomsak làm trưởng đoàn đang thăm và làm việc tại Việt Nam chiều 5/11 tại Hà Nội, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Bộ Tư pháp Lào diễn ra vào thời điểm hết sức có ý nghĩa, đúng dịp Việt Nam đang tiến hành Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII với nhiều nội dung quan trọng. Trước đó, tháng Chín, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân.

Cảm ơn sự hỗ trợ, ủng hộ quý báu của các cơ quan của Lào và cá nhân Bộ trưởng Bounkeut Sangsomsak, Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định, trên bước đường đi lên của mình, Tòa án Nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ quý báu của nhiều cơ quan hữu quan của Lào như Bộ Tư pháp, Tòa án...

Thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được các kết quả nhất định và mang lại những thay đổi quan trọng, sâu sắc đến hệ thống tòa án nhân dân. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã xác định rõ vị trí, vai trò của tòa án nhân dân trong bộ máy cơ quan nhà nước. Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, thực hiện chức năng xét xử. Điều này càng được khẳng định, khi Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Hệ thống Tòa án Nhân dân Việt Nam đã có những thay đổi lớn về thẩm quyền và cơ cấu tổ chức. Cụ thể, thẩm quyền của Tòa án Nhân dân Tối cao hiện nay chỉ tập trung vào nhiệm vụ giám đốc việc xét xử của các tòa án khác; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; quản lý các tòa án về mặt tổ chức; xây dựng pháp luật theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hệ thống tòa án nhân dân thay đổi cơ cấu từ 3 cấp sang 4 cấp gồm Tòa án Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân cấp cao, Tòa án Nhân dân cấp tỉnh và Tòa án Nhân dân cấp huyện. Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao do Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm…

Tại buổi tiếp, Chánh án Trương Hòa Bình đã trao đổi và chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác đào tạo tư pháp, nhất là đội ngũ thẩm phán; công tác xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; kinh nghiệm trong công tác xét xử…

Cảm ơn Chánh án Trương Hòa Bình đón tiếp đoàn trọng thị, chu đáo, Bộ trưởng Bounkeut Sangsomsak khẳng định, chuyến thăm lần này nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước nói chung và trao đổi lĩnh vực tư pháp nói riêng.

Đánh giá cao công tác cải cách tư pháp của Việt Nam thời gian qua, trong đó có lĩnh vực tòa án, Bộ trưởng Bounkeut Sangsomsak cho biết Lào đang đẩy mạnh cải cách trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó rất chú trọng đến công tác đào tạo tư pháp, do đó rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục