Viết lại luật chơi thương mại, Tổng thống Mỹ Trump “phản lưới nhà”

Cách tiếp cận của ông Trump là một “cú sút phản lưới nhà” trong kế hoạch khôi phục nền kinh tế Mỹ và vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ mà ông đề ra và cú đòn mới của ông có thể là chí mạng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa làm bùng phát các cuộc chiến thương mại, hành động với mục đích chính trị khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đề nghị những thỏa thuận đặc biệt cho những người bạn đặc biệt, đang gây áp lực lên hệ thống thương mại thế giới.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những diễn biến mới nhất trong những gì được coi là một bước trượt dài của các thể chế hỗ trợ cho chính sách kinh tế quốc tế suốt hơn 20 năm qua.

Liệu ông Trump có thể thất bại hay không và nếu vậy, thay đổi này sẽ mang lại điều gì cho Mỹ?

Bất chấp những nỗ lực của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thời kỳ hậu chiến tranh đã chứng kiến các lãnh đạo thế giới thực hiện một loạt chương trình bảo hộ, từ việc hỗ trợ cho các ngành công nghiệp mới đến các chính sách thương mại chiến lược được thiết kế để cải thiện mức giá xuất khẩu.

Những hình thức bảo hộ bao gồm các hạn chế xuất khẩu tự phát, các quy định chống bán phá giá và các loại thuế chống trợ cấp gây bất ổn cho các nhà xuất khẩu, trên thực tế, đó là việc cung cấp sự bảo vệ đặc biệt cho các lĩnh vực được ưu tiên.

Hoạt động bảo hộ cũng bao gồm các khoản trợ cấp cho nông nghiệp, vốn làm giảm giá cả thế giới-một thực tế gây khó khăn cho các nước đang phát triển.

Khi liệt kê đến sự sụp đổ trong các vòng đàm phán đa phương Doha của WTO và sự gia tăng các hiệp định thương mại khu vực với các quy tắc xuất xứ phức tạp vào danh sách này, có thể thấy rõ ràng là hệ thống thương mại thế giới đã gặp phải trục trặc từ trước cả khi Tổng thống Trump xuất hiện.

WTO được thiết kế để tạo sự ổn định cho quá trình kinh doanh, cung cấp sự hỗ trợ chống lại các nhóm vận động hành lang đối địch cũng như chủ nghĩa dân túy chính trị, và hạn chế các quốc gia sử dụng chính sách thương mại như một vũ khí ngoại giao.

Đến những năm 1990, sau khi WTO đạt được những thành công ban đầu, người ta đã dự đoán rằng toàn cầu hóa sẽ là dấu chấm hết cho chủ nghĩa dân tộc kinh tế.

Tuy nhiên, khi những quan điểm chính trị đã chuyển hướng sang chủ nghĩa dân tộc, WTO và trật tự kinh tế tự do ngày càng phải hứng chịu nhiều thách thức.

[Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Mỹ thiệt hại hay có lợi?]

Ông Trump hiện đang sử dụng chính sách kinh tế như một đòn bẩy cho các mối quan hệ quốc tế theo đúng cái cách mà WTO được thiết kế để ngăn chặn. Điều này không có nghĩa ông có quyền viết lại các luật lệ.

Ngay cả khi cảm tính chính trị ngày càng mang tính dân tộc hơn, và ngay cả khi có những lý do chính trị để phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại, tiền đề cơ bản mà ông Trump đang sử dụng vẫn được xây dựng dựa trên sự sai lầm.

Chính ngôn từ mà ông Trump sử dụng khiến cho sự sai lầm trở nên rõ ràng. Ông cho rằng nhập khẩu là xấu, xuất khẩu là tốt và thuế nhập khẩu là một cách hiệu quả để trừng phạt các đối tác nước ngoài. Do đó, theo ông Trump, nếu Mỹ xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu thì đó là “chiến thắng.”

Nếu người ta chấp nhận logic của Tổng thống Trump, bước tiếp theo sẽ là áp đặt các rào cản nhập khẩu đối với các đối thủ chính trị và sử dụng những lời đe dọa hạn chế nhập khẩu để giúp các quốc gia khác (đặc biệt là các đối tác liên minh an ninh) nhận ra mọi việc dưới lăng kính chính trị.

Vấn đề là thuế nhập khẩu gây tổn hại đến chính người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước bởi dù họ có mua hàng nhập khẩu hay hàng hóa thay thế ở địa phương, họ vẫn phải trả mức giá cao hơn.

Chẳng hạn, Australia là nước xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới nhưng lượng tiêu thụ lại rất ít. Quặng này chủ yếu được khai thác vì giá trị đem lại khi xuất khẩu.

Tuy nhiên, sản xuất quặng sắt chỉ khiến người Australia tốt lên nếu họ có thể sử dụng doanh thu xuất khẩu để mua hàng nhập khẩu.

Nếu Australia đánh thuế hàng hóa nhập khẩu, họ sẽ phải khai thác thêm nhiều quặng sắt để trang trải cho chi phí nhập khẩu cao hơn.

Bằng việc đánh thuế nhập khẩu, Australia cũng đang áp một mức chi phí cao hơn cho chính mình. Trường hợp của Mỹ hoàn toàn không có gì khác biệt.

Việc ông Trump áp thuế nhập khẩu khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ, những người dựa vào nhập khẩu, trở nên tệ hại hơn.

Trớ trêu thay, bên chiến thắng từ việc áp thuế nhập khẩu lại là chính phủ, vốn được giữ doanh thu thuế do người tiêu dùng và doanh nghiệp chịu phí tổn. Vì vậy, việc áp thuế nhập khẩu mới sẽ không hoàn toàn là "bất lợi" bởi Washington sẽ vẫn hưởng lợi từ nguồn thu thuế.

Trọng tâm về thặng dư thương mại của ông Trump cũng “ngược đời” không kém. Thâm hụt ngày càng tăng của Mỹ không phải là biểu hiện của sự yếu kém mà thay vào đó là dấu hiệu của một nhu cầu mạnh mẽ của Mỹ và sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi-người tiêu dùng đang mua rất nhiều hàng nhập khẩu.

Điều này cũng phản ánh giá trị mạnh mẽ của đồng USD của Mỹ đang ở vị trí đáng ghen tị, nơi họ không phải khai thác than hoặc sản xuất xe hơi để trả tiền nhập khẩu, bởi họ chỉ cần in USD, thứ mà các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, muốn có để tạo thuận lợi cho các giao dịch quốc tế và dự trữ khi cần thiết.

Ôtô tại một bãi đỗ xe ở Richmond, California của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, việc mua hàng hóa để đổi lấy đồng USD tạo ra một sự “thâm hụt thương mại” cho Mỹ, bởi mọi người đều muốn giữ chứ không muốn tiêu loại tiền này.

Cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Trump còn gặp phải nhiều vấn đề khác. Chỉ riêng các cuộc thảo luận về chiến tranh thương mại cũng có thể làm suy yếu niềm tin vào nền kinh tế Mỹ - một nền kinh tế mà chỉ đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ông Trump càng giục giã một cách điên cuồng bao nhiêu, ông càng tạo ra nhiều rủi ro cho thị trường bấy nhiêu.

Tương tự như vậy, Tổng thống Trump càng nôn nóng, càng có nguy cơ tạo ra thâm hụt thương mại lớn hơn khi người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ mua ngay lập tức hàng nhập khẩu trước khi cuộc chiến thương mại dự kiến bùng phát.

Nếu các công ty và người tiêu dùng cho rằng ông Trump sẽ thông báo việc tăng thuế nhập khẩu trong tương lai gần, họ sẽ đáp trả bằng cách chi tiêu nhiều hơn cho hàng nhập khẩu ngay từ bây giờ.

Tuy nhiên, theo cách phê phán nhất, “cách tiếp cận viết lại luật lệ” của ông Trump đang tiếp tục làm xói mòn các thể chế được thiết kế để tạo điều kiện cho tăng trưởng và ngăn chặn các cuộc chiến tranh thương mại.

Ông đang mở cửa cho chủ nghĩa bảo hộ dân tộc chủ nghĩa như một cách có thể chấp nhận được nhằm kiểm soát các mối quan hệ quốc tế. Điều này làm tổn hại đến uy tín của Mỹ và có thể phải rất nhiều thế hệ tổng thống Mỹ tương lai mới có thể tháo gỡ và xây dựng lại niềm tin.

Trong khi đó, Trung Quốc đã nắm bắt thời điểm này, tận dụng cơ hội để biến mình như một người bảo vệ trật tự quốc tế.

Cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Trump là một “cú sút phản lưới nhà” trong kế hoạch khôi phục nền kinh tế Mỹ và vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ mà ông đề ra.

Hệ thống đó đã bị tấn công và cú đòn mới của ông Trump có thể là chí mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục