Những năm gần đây, nhiều tác giả nhỏ tuổi đã gây ấn tượng mạnh qua các cuộc thi viết, các giải thưởng văn chương. Ở góc nhìn lạc quan thì điều đó có nghĩa là văn học thiếu nhi đang có một lực lượng sáng tác trẻ, tuy nhiên, xét trên diện rộng thì các cây bút này mới chỉ khẳng định mình trên một vài tác phẩm. Nền văn học thiếu nhi vẫn đang thiếu vắng những tác giả, tác phẩm lớn.
Chọn góc nhìn ở tầm mắt trẻ em
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi hiện nay vẫn thiếu một chút chuyên nghiệp để quyết liệt theo đuổi mảng đề tài này. Các tác giả trẻ thường viết một cách bản năng, hồn nhiên. Điều đó rất thú vị nhưng đa phần không mang lại chất lượng đồng đều cho các tác phẩm, không ra tác phẩm thường xuyên.
“Có một thực tế là nhiều người có thể đến với đề tài này khi mới cầm bút nhưng sau đó thì chuyên tâm cho mảng khác. Ngược lại, cũng nhiều tác giả tới cuối đời mới cầm bút viết cho thiếu nhi. Như thế, mảng văn học thiếu nhi vô cùng quan trọng nhưng vẫn bị nhiều người cho là mảng phụ, chứ không phải là nền tảng cho sự nghiệp của mình,” ông Nguyên nói.
Ở một góc nhìn khác, phó giáo sư-tiến sỹ lý luận văn học Ngô Văn Giá cho rằng các thế hệ tác giả mặc dù vẫn đang hào hứng trong cuộc “chạy tiếp sức” để có những tác phẩm dành riêng cho thiếu nhi, song viết sao cho hay, hấp dẫn và duy trì chất lượng ổn định cho tác phẩm luôn là “bài toán khó”.
Đồng tình với quan điểm này, nhà thơ Cao Xuân Sơn cho rằng để viết hấp dẫn, thu hút trẻ em thì khả năng tưởng tượng của nhà văn viết cho thiếu nhi phải mạnh hơn những người bình thường khác. Ông nêu ví dụ, nếu các tác giả chỉ viết những câu như “con mèo, con chó có lông, quả na có mắt, nồi đồng có quai” thì chỉ hấp dẫn được những bé mới biết đọc. Với độc giả lớn hơn một chút, câu thơ: “Cá mương nháo nhác hỏi nhau, ai câu mà thả mồi câu bằng mèo” thì lại khiến các em bật lên tiếng cười nhưng đằng sau đó là lời nhắc nhở các bạn nhỏ phải cẩn thận, kẻo ngã xuống sông giống con mèo…
“Những sáng tác cho thiếu nhi phải có tình huống, hình ảnh bất ngờ và hài hước thì mới hấp dẫn. Qua đó, tác giả gửi gắm thông điệp của mình,” ông nói.
[Nhức nhối thực trạng sách giả, sách lậu trên không gian mạng]
Là thế hệ sau, nhà thơ Phong Việt cho rằng viết cho thiếu nhi không hề đơn giản, không chỉ đòi hỏi vốn sống, trải nghiệm mà trên hết còn đòi hỏi góc nhìn chân thật ở “ngang tầm mắt” của độc giả nhỏ tuổi vì chỉ có như thế mới giúp cho tác phẩm chạm đến cảm xúc của các em.
“Có rất nhiều lý do để lý giải cho việc nhiều tác giả thiếu nhi xuất hiện như một hiện tượng rồi mất hút, nhưng theo tôi nguyên nhân chính có thể là vì không đủ sự đam mê và sức sáng tạo để đi đường dài,” nhà thơ phân tích.
Nổi tiếng từ khi mới 12 tuổi, nhà thơ Ngô Gia Thiên An (sinh năm 1999) chia sẻ: “Tôi sẽ viết những điều tôi tin là thật, những điều mà tôi đã được học, những điều tôi đã kiểm chứng. Bởi vì viết những điều càng chân thực nhất sẽ khiến cho các em tin tưởng hơn. Mình tưởng các em rất ngây ngô nhưng khi đọc những dòng văn có cảm xúc thật sự thì các em sẽ biết được đó chính là những cảm xúc mà người viết muốn đưa vào.”
Dùng công nghệ để tăng tương tác
Nội dung chân thật, giàu cảm xúc dường như chưa đủ để hấp dẫn độc giả trong thời đại văn hóa nghe nhìn phát triển như hiện nay. Các chuyên gia cho rằng sách cho thiếu nhi cần phải đổi mới từ nội dung đến hình thức thì mới thu hút được độc giả và nền văn học thiếu nhi mới thực sự khởi sắc.
“Một cuốn sách thu hút không chỉ nằm ở nội dung trong sách mà còn phải thu hút về mặt thị giác, phải có hình thức đẹp. Đây là trách nhiệm của khâu tổ chức sản xuất,” nhà phê bình Ngô Văn Giá nói.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng cho rằng trong thời đại số, sự dịch chuyển của hình thức truyền thông từ dạng văn bản sang hình ảnh tác động mạnh đến thói quen đọc sách của trẻ em.
“Biến chuyển đó là thách thức, cũng là cơ hội với người làm sách thiếu nhi. Những người viết, người vẽ và người làm xuất bản phải đổi mới, thích nghi và sáng tạo hơn nữa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc nhỏ tuổi,” bà nói.
Bà cho hay các đơn vị xuất bản đã ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng thẩm mỹ của sách lên rất nhiều, cụ thể là kỹ thuật in ấn hiện đại tạo nên những tác phẩm bắt mắt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang từng bước đa dạng hóa hình thức sách cho trẻ em. Bên cạnh sách in truyền thống, các dạng sách đa hình thức tương tác đã ra đời như pop-up, lật mở, sách chiếu bóng, sách phát âm thanh, sách thực tế ảo tăng cường (AR)… giúp trải nghiệm sách của trẻ thêm phong phú.
Điển hình là cuốn sách đã nhận Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021 - “Lướt cùng Tí Địa Lý” (Xuân Đài và Uyên Trương). Với công nghệ tương tác chuyển động (scanimation), độc giả có thể trượt nhẹ nhàng tấm nhựa trên trang sách tạo ra những hình ảnh sống động. Sách chiếu bóng có kết cấu đặc biệt với khuôn giấy trong suốt, tạo nên hiệu ứng bóng đổ trên tường khi có ánh sáng đèn pin chiếu qua, cứ thế những câu chuyện cổ tích Việt Nam hiện lên như một cuốn phim hoạt hình trước mặt độc giả...
Nhà thơ Phong Việt ghi nhận sự đầu tư của các nhà xuất bản trong việc đổi mới hình thức cho sách thiếu nhi. Bên cạnh nỗ lực đó, các cuộc vận động sáng tác, các giải thưởng văn chương xuất hiện ngày càng nhiều để khuyến khích các tác giả.
Nhà thơ cho rằng bất cứ cuộc thi hay chương trình nào giúp phát lộ các tác giả viết cho thiếu nhi đều cực kỳ quý giá, là nền tảng tốt để tìm kiếm những cây bút sung sức. Ngoài ra, các nhà xuất bản cũng có thể tăng nhuận bút ở mảng sách thiếu nhi cũng là một cách tạo động lực cho người viết đầu tư hơn cũng là để tạo đòn bẩy cho văn học thiếu nhi phát triển./.