Viện Vật lý địa cầu ghi nhận dư chấn động đất 2,7 độ ở Điện Biên

Ngày 23/5, Trạm Quan sát động đất thành phố Điện Biên Phủ ghi nhận dư chấn động đất xảy ra trên địa bàn huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) với cường độ 2,7 độ.
Viện Vật lý địa cầu ghi nhận dư chấn động đất 2,7 độ ở Điện Biên ảnh 1(Nguồn: Viện Vật lý địa cầu)

Vào lúc 6 giờ 52 phút 55 giây (theo giờ Hà Nội), ngày 23/5, Trạm Quan sát động đất thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), thuộc Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận dư chấn động đất xảy ra trên địa bàn huyện Điện Biên Đông với cường độ 2,7 độ.

Theo ông Nguyễn Thái Sơn, trạm trưởng Trạm Quan sát động đất thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), thuộc Viện Vật lý địa cầu, đây là dư chấn của trận động đất có cường độ 4,0 độ đã xảy ra vào chiều 21/5, tại vị trí có tọa độ 21,374 vĩ độ Bắc; 103,318 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu 8,1km.

Khu vực xảy ra trận động đất được xác định tại vùng giáp ranh giữa địa bàn hai xã Xa Dung và Na Son của huyện Điện Biên Đông.

[Động đất tại Điện Biên, người dân cảm nhận rõ rung lắc]

Trước đó, trong hai ngày 21/5 và 22/5, tỉnh Điện Biên đã liên tiếp ghi nhận 2 trận động đất xảy ra.

Vào 1 giờ 19 phút 57 giây (theo giờ Hà Nội) ngày 22/5, một trận động đất có cường độ 2,5 độ đã xảy ra tại vị trí có tọa độ 21,377 vĩ độ Bắc, 103,343 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 9,7 km, thời gian dư chấn kéo dài khoảng 3 giây.

Ngày 21/5, vào lúc 17 giờ 49 phút 28 giây (theo giờ Hà Nội), một trận động đất khác có cường độ 4,0 độ đã xảy ra tại vị trí có tọa độ 21,374 vĩ độ Bắc; 103,318 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km, dư chấn kéo dài khoảng 3 đến 4 giây.

Cả hai trận động đất này đều xảy ra tại khu vực giáp ranh giữa địa bàn hai xã Xa Dung và Na Son của huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), trên dải đứt gãy Sông Mã-Sơn La; cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 30km.

Như vậy, trong tháng 5/2019, địa bàn tỉnh Điện Biên đã liên tiếp xảy ra 3 trận động đất (vào các ngày 16/5, 21/5 và 22/5) với cường độ từ 2,5 độ đến 4,0 độ, xảy ra trên địa bàn hai huyện Điện Biên Đông, Mường Nhé và một dư chấn động đất (ngày 23/5) trên địa bàn huyện Điện Biên Đông.

Người dân ở khu vực lòng chảo Mường Thanh, khu vực thành phố Điện Biên Phủ và các vùng gần chấn tiêu động đất đều cảm nhận rõ được rung lắc mặt đất, nhà cửa và các vật dụng trong gia đình. Tuy nhiên các trận động đất không gây thiệt hại, các công trình xây dựng trên địa bàn vẫn đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Thái Sơn cho biết thêm năm 2018, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra 6 trận động đất.

Bên cạnh đó, 3 trận động đất nữa đã xảy ra ở khu vực biên giới Điện Biên-Lào; Điện Biên-Trung Quốc. Trận động đất có cường độ nhỏ nhất là 2,5 độ, trận có cường độ lớn nhất là 4,3 độ.

Lý giải nguyên nhân vì sao khu vực Tây Bắc nói chung, địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng lại hay xảy ra động đất, ông Nguyễn Thái Sơn cho rằng trên địa bàn tỉnh Điện Biên có hai vết đứt gãy địa chấn lớn, gồm vết đứt gãy Điện Biên-Mường Lay (dài khoảng 200km, thường xuyên hoạt động) và vết đứt gãy Sông Mã-Tuần Giáo-Lai Châu.

Với đặc điểm địa chất này, Điện Biên thường có động đất tại các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà và Thị xã Mường Lay.

Theo số liệu ghi nhận, địa bàn tỉnh Điện Biên đã từng xảy ra 3 trận động đất lớn. Năm 1935, trận động đất có cường độ 6,9 độ xảy ra tại vùng lòng chảo Điện Biên. Năm 1983, trận động đất 6,7 độ xảy ra tại thị trấn Tuần Giáo. Năm 2001, trận động đất 5,3 độ xảy ra tại thành phố Điện Biên Phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục