Theo thống kê của tỉnh Quảng Ninh, sau cơn bão số 3, thiệt hại về tài sản khoảng 24.223 tỷ đồng. Bão số 3 được nhận định là siêu bão chưa từng có, đổ bộ vào Quảng Ninh trong thời gian qua. Đây cũng là tỉnh hứng chịu hậu quả rất nặng nề, bằng 1/2 thiệt hại của cả nước do bão số 3 gây ra.
Mặc dù chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự, tài nguyên, vật tư ứng cứu duy trì mạng lưới thông tin, củng cố trạm và mạng truyền dẫn, song cơn bão số 3 khiến hơn 1.200 trạm phát sóng trên toàn tỉnh bị mất liên lạc, do các hệ thống cáp quang, đường truyền dẫn, cáp ngầm bị đứt gãy, hư hỏng, gián đoạn. Nghiêm trọng hơn, toàn tỉnh mất điện trên diện rộng. Việc thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh bị gián đoạn, trong đó nhiều khu vực bị mất sóng di động và Internet.
Ngay khi bão số 3 đi qua, cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên của 3 nhà mạng lập tức dấn thân vào “cuộc chiến” khắc phục sự cố, "chạy đua" với thời gian, khôi phục thông tin liên lạc cho người dân.
Huy động tối đa nguồn lực để "cứu sóng"
Sau cơn bão số 3 Yagi, đội ngũ kỹ thuật viên của các nhà mạng viễn thông tại Quảng Ninh như Viettel, VNPT, và MobiFone đã được điều động tới các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất để tiến hành kiểm tra và khắc phục sự cố. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, họ đã vượt qua khó khăn từ địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và giao thông bị chia cắt, để tiếp cận các trạm thu phát sóng bị hư hỏng.
Ông Phan Văn Phúc - Giám đốc VNPT Quảng Ninh cho biết, ngay khi bão vào đã tổ chức một đội xung kích gồm lãnh đạo cùng các kỹ thuật viên khắc phục sự cố để có liên lạc trở lại phục vụ cho chính quyền địa phương trong công tác điều hành, chỉ đạo. "Ngay ngày 8/9, VNPT đã tổ chức các điểm giao dịch chạy máy phát điện để đón người dân sạc pin điện thoại. VNPT cũng đã tăng cường 28 đơn vị với hơn 500 nhân sự từ các tỉnh về Quảng Ninh để hỗ trợ khắc phục sự cố thiên tai."
Ngoài ra VNPT Quảng Ninh cũng đã tặng cho người dân những sạc dự phòng kèm sim đã được kích hoạt nghe gọi 3 tháng, kèm data để đảm bảo liên lạc.
Quảng Ninh: Cơ bản khôi phục mạng viễn thông sau cơn bão số 3
Cả 3 doanh nghiệp viễn thông MobiFone, VinaPhone và Viettel đã khôi phục hoàn toàn hoặc cơ bản khôi phục mạng lưới thông tin liên lạc phục vụ người dân và công tác chỉ đạo, điều hành của Quảng Ninh.
Trước tình huống cấp bách, Viettel đã đưa bộ máy của trung tâm điều hành từ Tổng Công ty Viễn thông Viettel được điều chuyển về Quảng Ninh để kịp thời chỉ đạo, điều hành. Do tình trạng mất điện trên diện rộng, Viettel Quảng Ninh đã huy động toàn bộ nhân lực, vật tư, thiết bị để vận chuyển máy phát điện và nhiên liệu đảm bảo cấp điện cho các trạm phát sóng cũng như các điểm giao dịch cho người dân.
Thiếu tá Đào Như Quỳnh - Giám đốc Viettel tỉnh Quảng Ninh cho biết Viettel đã huy động gần 1.000 cán bộ, kỹ thuật, nhân viên từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đặc biệt khu vực miền Nam chi viện, phối hợp với cho Quảng Ninh.
Ông Quỳnh cho biết, tất cả các lực lượng kỹ thuật của Viettel trên toàn quốc đều đã trải qua việc ứng cứu thông tin, xử lý sự cố. "Hằng năm bất cứ tỉnh nào gặp thiên tai, đội ngũ kỹ thuật của Viettel tại các tỉnh không bị ảnh hưởng đều lên đường. Tất cả đều có kinh nghiệm, kỹ năng ứng cứu. Chúng tôi cũng đã lên phương án, điều động các cán bộ từ phía Nam, miền Tây khu vực ít bị chịu ảnh hưởng bởi bão lũ ra ứng cứu."
Ông Trần Thụ, Giám đốc MobiFone Quảng Ninh cho hay đơn vị này đã thực hiện phối hợp với các nhà mạng khác thực hiện roaming tại khác khu vực bị mất sóng đảm bảo thông tin liên lạc cho Lãnh đạo tỉnh, các Sở ban ngành, chính quyền tại địa phương điều hành công tác khắc phục trong và sau bão.
Tại Quảng Ninh, MobiFone đã cung cấp các xe phát sóng lưu động đến các khu công nghiệp, khu kinh tế, doanh nghiệp ngành than, khu du lịch để đảm bảo duy trì được thông tin liên lạc tại các khu vực trọng điểm hoạt động bình thường trở lại ngay sau bão.
100% các Cửa hàng giao dịch của MobiFone tại Quảng Ninh đã kéo dài thời gian mở cửa đến 23-24h hàng ngày và sử dụng nhiên liệu chạy máy phát điển để trở thành các điểm sạc điện miễn phí cho hơn 3.500 khách hàng, người dân đến sạc các loại đèn, điện thoại, pin dự phòng và sử dụng miễn phí Wifi liên hệ gia đình, người thân nhằm đảm bảo thông tin liên lạc cần thiết và cập nhật kịp thời các thông tin chỉ đạo của chính quyền.
Đồng thời, MobiFone Quảng Ninh đã tổ chức các đội chăm sóc khách hàng lưu động để thăm hỏi, hỗ trợ trực tiếp cho 100% doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đang sử dụng sản phẩm dịch vụ bị ảnh hưởng gián đoạn thông tin sau bão; hỗ trợ khách hàng kết nối, đăng ký sử dụng lại dịch vụ.
Ngay sau bão, Tổng Công ty viễn thông MobiFone huy động các đơn vị trong Tổng Công ty tham gia khắc phục cho địa bàn Quảng Ninh với khối lượng trên 100 tấn thiết bị, 150 lượt phương tiện, gần 500 cán bộ công nhân viên các miền về tổ chức sửa chữa các điểm cáp bị đứt và trạm BTS bị thiệt hại do bão Yagi.
Lực lượng ứng trực tại chỗ trên các địa bàn của MobiFone Quảng Ninh cũng đã đến ngay các vị trí điểm cáp đứt và trạm bị hư hỏng để ứng cứu, khắc phục nhanh nhằm đảm bảo thông tin liên lạc.
Để kịp tiến độ, lực lượng kỹ thuật thay phiên nhau làm thông đêm để kéo cáp và chuyển máy phát điện đến các trạm, xử lý hàn cáp; nhân sự được chia nhóm nhỏ và phân vùng, phân tuyến triển khai cùng với lực lượng điều hành tại Trung tâm, các cán bộ kỹ thuật ít nhất đã làm việc liên tục 3-5 ngày để cơ bản khắc phục hậu quả sau bão.
Những ngày này, công cuộc "cứ sóng" của những cán bộ, kỹ thuật viên viễn thông diễn ra liên tục, không quản ngày đêm, kể cả trong những ngày mưa tầm tã từ việc lắp đặt thiết bị, đấu nối ắcquy đến kiểm tra trạm phát sóng, sửa chữa các tuyến cáp bị đứt.
Anh Nguyễn Đình Quang, một trong 10 nhân viên hạ tầng của MobiFone tại Thanh Hoá đã được tăng cường về Quảng Ninh để hỗ trợ khắc phục hệ thống mạng lưới tại thành phố Hạ Long.
Anh Quang cùng các đồng nghiệp chịu trách nhiệm xử lý sự cố các link truyền dẫn của các trạm BTS. Hiện tại các trạm thiệt hại tương đối lớn, các cột trụ không những gãy đổ mà tuyến cáp quang còn bị đứt gây ra tình trạng gián đoạn thông tin. Theo anh Quang, đến hết tuần công tác khắc phục sẽ hoàn thành 100%.
Là kỹ thuật viên thuộc một trong những tỉnh bị hứng chịu nhiều thiên tai, anh Quang cùng những đồng nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó, khắc phục các sự cố về hạ tầng. Anh Quang cũng là một trong những thành viên thuộc đội cơ động được tăng cường hàng năm đi các tỉnh khắc phục sự cố hạ tầng viễn thông.
Về việc khắc phục hậu quả bão số 3 tại tâm bão Quảng Ninh, bà Lê Ngọc Hân - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác khắc phục mạng di động cơ bản đã hoàn thành. Mạng Internet của các nhà mạng cung cấp cho khách hàng cũng đã được khôi phục trên 90%. Hiện tại vẫn còn một số cây và cột điện bị đổ gãy, vì vậy các nhà mạng vẫn đang tiếp tục khắc phục. Tính đến nay, tình hình gián đoạn thông tin tại các địa phương chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 3 đã cơ bản được khắc phục.
Ông Đào Như Quỳnh - Giám đốc Viettel Quảng Ninh cho biết, cơ bản các trạm phát sóng đã khôi phục 100%, hiện nay 1 số trạm giải pháp nhỏ cho các cụm dân cư chưa có điện lưới nên chưa phát sóng trở lại được. Mạng Internet, những vị trí node trạm đã khôi phục hoàn toàn, nhưng các đường dây đến nhà khách hàng vẫn đang tập trung các nguồn lực để hỗ trợ. Hiện còn khoảng 10 ngàn khách hàng phản ánh, chúng tôi đã và đang dồn lực lượng để xử lý," ông Quỳnh cho hay.
Ông Phan Văn Phúc - Giám đốc VNPT Quảng Ninh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại mạng lưới di động đã được khôi phục hoàn toàn, nhưng để phục vụ người dân rơi vào khoảng 96% vì liên quan đến các một số trạm không có điện.
Về mạng lưới Internet, VNPT cho biết đến thời điểm hiện tại đã khôi phục 96% cho người dân. Còn khoảng 12 nghìn thuê bao vẫn chưa có Internet trở lại, đây là những thuê bao vùng ven bị ảnh hưởng nặng nhất bởi bão lũ. Hiện VNPT cho biết cố gắng đến hết ngày 25/9 sẽ khôi phục 100% mạng lưới Internet cho người dân.
Sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong tương lai
Bên cạnh việc khắc phục hậu quả hiện tại, các đơn vị viễn thông tại Quảng Ninh cũng đang tích cực đánh giá lại hệ thống hạ tầng để có những biện pháp nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai trong tương lai.
Những phương án như nâng cao độ bền, hạ ngầm cáp quang, củng cố các trạm phát sóng và đào tạo kỹ năng ứng phó thiên tai cho đội ngũ kỹ thuật viên đã được đặt ra như những ưu tiên hàng đầu.
Chia sẻ về kế hoạch ứng phó thiên tai trong thời gian tới, Thiếu tá Đào Như Quỳnh - Giám đốc Viettel Quảng Ninh cho biết sau khi công tác khắc phục thiên tai hoàn tất sẽ tổ chức họp rút kinh nghiệm cấp Tập đoàn. "Trước giờ chúng ta chỉ ứng cứu thông tin với bão cấp 13, 14 nhưng đối với bão cấp 17 là chưa từng có tiền lệ. Chính vì vậy nên cần tổ chức rút kinh nghiệm, sau đó Tập đoàn sẽ chỉ đạo các tỉnh tổ chức diễn tập phương án ứng phó với những cơn bão tương tự Yagi trong tương lai."
Ông Quỳnh cũng cho biết để ứng phó với những cơn bão có thể xảy ra trong thời gian tới, Viettel Quảng Ninh đã tính đến những phương án củng cố hạ tầng tốt hơn. Những trạm kiên cố sẽ tính đến phương án chống chịu những cơn bão cấp 17 như Yagi đồng thời các đường cáp quang sẽ được hạ ngầm toàn bộ đối với những trạm ưu tiên.
Ông Phan Văn Phúc cho biết, để ứng phó với thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tới, VNPT Quảng Ninh đã xây dựng phương án đồng bộ với sự chỉ đạo của Tỉnh và Tập đoàn là 4 tại chỗ bao gồm: Chỉ huy tại chỗ, Lực lượng tại chỗ, Vật tư, thiết bị, nhiên liệu tại chỗ và Hậu cần tại chỗ.
"Với bão to hay bé, chúng tôi đều xác định có các phương án ứng phó như nhau. Với những cơn bão to, chúng tôi sẽ thực hiện việc chủ động hạ tải, hạ cột BTS để giảm thiểu việc đổ gãy cột đặc biệt những cột trong khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư."
Đại diện VNPT Quảng Ninh cũng nhấn mạnh việc giữ được việc kết nối, duy trì liên lạc trong bão nhờ việc ngầm hoá tuyến cáp trục dọc từ Đông Triều đến Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Trong tương lai, VNPT Quảng Ninh cũng sẽ tiếp tục bổ sung thêm tuyến thứ 2 tại các huyện dễ bị cô lập như Bình Liêu, Ba Chẽ.
Đồng thời VNPT cũng triển khai thực hiện đấu thêm Viba IP để phục vụ liên lạc cho người dân. Bằng cách kết nối các tuyến viba – truyền dẫn vô tuyến tạm thời thay thế cho tuyến cáp, và thiết lập các hệ thống thông tin liên lạc, VNPT đã khôi phục liên lạc tạm thời cho một số xã đảo, xã miền núi bị cô lập.
"Như đảo Cô Tô khôi phục liên lạc được nhanh vì chúng tôi đã triển khai Viba IP nên có sóng nhanh hơn Bình Liêu, Ba Chẽ. Chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung Viba IP ở những huyện bị cô lập. Sau đợt bão này VNPT sẽ triển khai ngay kế hoạch lắp thêm 2 Viba IP cấu hình cao 5 GiG trở lên để phục vụ cho các huyện như Bình Liêu, Ba Chẽ," ông Phúc cho biết.
Sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của các đơn vị viễn thông tại Quảng Ninh không chỉ giúp khôi phục liên lạc nhanh chóng mà còn góp phần xây dựng niềm tin cho người dân trong những lúc khó khăn nhất. Trong tương lai, với những bài học rút ra từ sự cố thiên tai lần này, tỉnh Quảng Ninh sẽ ngày càng vững vàng hơn trước những thử thách mà thiên nhiên đặt ra./.