Viện Kiểm sát TP.HCM hoàn tất hai cáo trạng truy tố bị can Tề Trí Dũng

Mới đây, ông Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC) tiếp tục bị Viện Kiểm sát nhân dân TP,HCM truy tố trong hai vụ án.
Viện Kiểm sát TP.HCM hoàn tất hai cáo trạng truy tố bị can Tề Trí Dũng ảnh 1Bị can Tề Trí Dũng. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Sau khi bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt mức án 19 năm tù về hai tội "Tham ô tài sản," "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" trong vụ án IPC và Sadeco, mới đây, ông Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC) tiếp tục bị Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh truy tố trong hai vụ án.

Bán rẻ đất nền Khu tái định cư An Phú Tây, gây thiệt hại hơn 127 tỷ đồng

Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Cáo trạng số 413/CT-VKS-P3 truy tố các bị can Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc IPC), Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco), Vũ Xuân Đức (nguyên Phó Tổng Giám đốc IPC), Trần Đăng Linh (nguyên Phó Tổng Giám đốc IPC), Mai Văn Đường (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên IPC), Mai Bửu Tâm (nguyên nhân viên Phòng Phát triển kinh doanh của IPC), Phạm Xuân Trung (nguyên Phó Tổng Giám đốc IPC) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Dự án Khu tái định cư An Phú Tây (có diện tích gần 47ha) được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao cho Sadeco làm chủ đầu tư vào năm 2001, chủ yếu để xây dựng phục vụ tái định cư các dự án trong khu đô thị phía Nam thành phố. 

[Hoàn tất kết luận điều tra vụ án thứ ba liên quan đến ông Tề Trí Dũng]

Tháng 6/2008, IPC và Sadeco ký hợp đồng với nội dung IPC góp vốn với Sadeco để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nhận lại nền đất tại dự án An Phú Tây. Sau đó, IPC nhận chuyển nhượng 151 nền đất từ Sadeco. Các nền đất tại Khu tái định cư An Phú Tây được IPC mua lại từ Sadeco với mục đích để chuẩn bị cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khu B, C, D, E thuộc Khu đô thị Nam Sài Gòn. 

Ngày 4/2/2016, Tề Trí Dũng có công văn 181/IPC.19 gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Xây dựng với nội dung: Do trách nhiệm bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc Liên doanh Phú Mỹ Hưng thực hiện nên IPC không còn nghĩa vụ bỏ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và chi phí chuẩn bị quỹ nền tái định cư cho khu B, C, D, E thuộc Khu đô thị Nam Sài Gòn. Do đó, đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho phép IPC được chuyển đổi mục đích tái định cư đối với các nền đất tại Khu tái định cư An Phú Tây thành mục đích thương mại trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước. 

Tuy nhiên, trong khi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có ý kiến về việc này, Tề Trí Dũng đã ký hợp đồng đặt cọc mua bán các nền đất với đơn giá 7 triệu đồng/m2 áp dụng cho toàn bộ vị trí, diện tích, loại nền đất. Tới ngày 28/6/2016, Ủy ban Nhân dân thành phố mới có Thông báo số 334/TB-VP, trong đó tại mục số 6 có nội dung: Chấp thuận ý kiến đề xuất của Sở Xây dựng tại cuộc họp và của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 4802/SKHĐT-PPP ngày 10/6/2016, cho phép IPC được điều chỉnh mục tiêu nhà ở tái định cư thành mục tiêu nhà ở thương mại đối với toàn bộ quỹ nền và căn hộ của IPC tại Khu tái định cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh.

Sau đó, Tề Chí Dũng đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các thủ tục bán 149/151 nền đất theo 2 đợt vào tháng 8-9/2016 và tháng 3/2018. Đợt 2, các nền đất còn lại được bán cho 2 cá nhân với giá 8,25 triệu đồng/m2 và 8,8 triệu đồng/m2.

Sau này, khi kiểm toán đối với IPC, Kiểm toán Nhà nước Khu vực IV xác định, việc chuyển nhượng các nền đất của IPC không đạt hiệu quả kinh tế. Ngày 8/7/2021, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản số 2273/UBND-NCPC nêu: "Theo báo cáo của IPC và hồ sơ tài liệu hiện có, việc chuyển nhượng nền đất cho khách hàng cá nhân do IPC tự quyết định, tự thực hiện. Công ty IPC không báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố việc chuyển nhượng và Ủy ban Nhân dân thành phố không chỉ đạo việc chuyển nhượng này."

Ngày 1/2/2021, Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự cấp thành phố có kết luận định giá tài sản theo giá thị trường của 149 nền đất Khu tái định cư An Phú Tây tại thời điểm 2016 và 2018 là hơn 313,8 tỷ đồng.

Căn cứ vào giá trị chuyển nhượng 149 nền đất thời điểm đó của IPC, Tề Chí Dũng đã bán rẻ so giá thị trường hơn 127 tỷ đồng, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã tách nội dung trách nhiệm của hai công ty định giá và các cơ quan nhà nước liên quan trong việc chuyển nhượng 149 nền đất trên để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Tham ô 70.000 USD

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển toàn bộ cáo trạng và hồ sơ vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Sepzone Linh Trung sang Tòa án nhân dân cùng cấp. Viện Kiểm sát truy tố bị can Tề Trí Dũng về hành vi "tham ô tài sản" số tiền 70.000 USD trong thời kỳ bị can giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Sepzone Linh Trung (gọi tắt là Công ty Sepzone)

Theo Cáo trạng số 354/CT-VKS-P3, Công ty Sepzone (Việt Nam) là Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, liên doanh giữa Việt Nam-Trung Quốc, được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 412/GP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp ngày 31/8/1992 và theo Giấy chứng nhận đầu tư số 412022000362 do Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 31/8/1992. Vốn điều lệ của Công ty Sepzone hiện tại là 17 triệu USD, trong đó đại diện phía Việt Nam - Công ty IPC góp 50%, tương đương 8,5 triệu USD.

Với vai trò người đại diện vốn không chuyên trách của IPC tại Công ty Sepzone, Tề Trí Dũng hiểu rõ quy định là phải nộp tiền thù lao và tiền thưởng về IPC.

Để chiếm đoạt, không phải nộp tiền về IPC, Tề Trí Dũng đã đề nghị các thành viên Hội đồng thành viên Công ty Sepzone lập bảng "Phân phối lợi nhuận năm 2016 và 2017" không có tên Tề Trí Dũng nhận tiền mà để tên Lê Hoàng Minh và Trần Thiện Trung nhận dưới hình thức chi thưởng thêm nhằm che giấu số tiền Tề Trí Dũng được thưởng. Các cá nhân trên đứng tên làm thủ tục ký nhận, giao lại cho Tề Trí Dũng chiếm hưởng tổng số tiền tương đương 60.000 USD.

Với chức vụ, quyền hạn của Tổng Giám đốc IPC, người đại diện 50% vốn góp của IPC tại Công ty Sepzone, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Sepzone, Tề Trí Dũng còn chiếm đoạt các khoản tiền thù lao họp Hội đồng thành viên tổng cộng 10.000 USD.

Đối với Lê Hoàng Minh và Trần Thiện Trung, đến nay, chưa có căn cứ xác định có ý thức chiếm đoạt tiền hoặc biết được động cơ, mục đích chiếm đoạt của Tề Trí Dũng tại thời điểm ký nhận tiền thay cho Tề Trí Dũng.

Lê Hoàng Minh và Trần Thiện Trung không bàn bạc, thỏa thuận với Tề Trí Dũng về việc hợp thức chứng từ để chiếm đoạt tiền, không cùng động cơ, mục đích chiếm đoạt với Tề Trí Dũng.

Hiện Lê Hoàng Minh và Trần Thiện Trung đã nộp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh số tiền hơn 1,3 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Còn bà Đào Minh Hà, vợ của bị can Tề Trí Dũng đã nộp 230 triệu đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục