Viện Kiểm sát: Đủ căn cứ truy tố Trịnh Xuân Thanh tội "tham ô tài sản"

Tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại PVP Land, theo đại diện Viện Kiểm sát, hoàn toàn có đủ căn cứ để truy tố bị cáo Trịnh Xuân Thanh về tội “tham ô tài sản."
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại Phiên tranh tụng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Sáng 2/2, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) và các đồng phạm trong vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) được tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa với các luật sư.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, hoàn toàn có đủ căn cứ để truy tố bị cáo Trịnh Xuân Thanh về tội “Tham ô tài sản."

Vai trò chỉ đạo, quyết định của Trịnh Xuân Thanh

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã đưa ra các căn cứ, lập luận và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Trịnh Xuân Thanh không phạm tội “Tham ô tài sản” như luận tội của Viện Kiểm sát.

Về nội dung này, quan điểm đối đáp của Viện Kiểm sát nêu rõ: Trịnh Xuân Thanh là người có vai trò chỉ đạo, quyết định việc cho chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, quyết định về giá tương đương 34 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza, thấp hơn giá các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương thỏa thuận ngày 27/3/2010 là 52 triệu đồng/m2, tạo ra chênh lệch giá để cùng đồng phạm chiếm đoạt cổ phần trị giá trên 87 tỷ đồng. Thực tế, các bị cáo đã chiếm hưởng và chia nhau 49 tỷ đồng, trong đó bị cáo Thanh được nhận 14 tỷ đồng.

Đại diện Viện Kiểm sát đã viện dẫn Khoản 4, Điều 7, Quy chế người đại diện của PVC tại doanh nghiệp khác của Hội đồng quản trị PVC quy định nghĩa vụ của Tổng công ty: “Chỉ đạo kịp thời người đại diện xử lý các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của Chủ sở hữu tại Công ty và định hướng công ty hoạt động phù hợp với chiến lược của Tổng Công ty."

Như vậy, việc cho chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương đã không được thực hiện đúng. Cụ thể, với cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, Trịnh Xuân Thanh đã có những chỉ đạo không đúng quy định của Quy chế gây thiệt hại cho PVP Land là doanh nghiệp có vốn của PVC trong đó có tài sản của Nhà nước và Trịnh Xuân Thanh đã được chia hưởng 14 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, các bị cáo: Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà), Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vietsan), Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVP Land), Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc PVP Land) đều khai về việc Trịnh Xuân Thanh biết việc ký hợp đồng với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị 52 triệu đồng/m2.

Bị cáo Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty cổ phần Minh Ngân) cũng khai tại cơ quan điều tra về việc bị cáo Bình chấp nhận ký Hợp đồng với giá 34 triệu đồng/m2, phần 18 triệu đồng chênh lệch sẽ chuyển cho một số cá nhân vì tổng vẫn là giá 52 triệu đồng/2 đất dự án Nam Đàn Plaza như đã thống nhất tại Hợp đồng đặt cọc ngày 27/3/2010.

Trên cơ sở đó, công tố viên khẳng định, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố bị cáo Trịnh Xuân Thanh về tôi “Tham ô tài sản” với vai trò là người chỉ đạo, quyết định là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội. Các luật sư cho rằng bị cáo Trịnh Xuân Thanh không phạm tội “Tham ô tài sản” là không có căn cứ.

Đủ cơ sở kết luận vai trò đồng phạm trong vụ án

Về vai trò đồng phạm, giúp sức trong vụ án, các luật sư có ý kiến cho rằng các bị cáo: Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (sinh năm 1972, tổng làm nghề kinh doanh tự do), Lê Hòa Bình, Đinh Thị Kim Thoa (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty cổ phần Minh Ngân) không có hành vi đồng phạm giúp sức cho 3 bị cáo: Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Đối đáp lại ý kiến này, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định có đủ cơ sở để xác định những bị cáo nêu trên có hành vi đồng phạm trong vụ án. Cụ thể, đối với bị cáo Đinh Mạnh Thắng đã chủ động thông báo với Trịnh Xuân Thanh về việc có khách hàng mua cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá 52 triệu đồng/m2.

Bị cáo Đinh Mạnh Thắng tại Phiên tranh tụng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Bị cáo Thắng tổ chức cho bị cáo Hương gặp Trịnh Xuân Thanh để thuyết phục bị cáo Thanh phê duyệt cho PVP Land chuyển nhượng cổ phần. Bị cáo Thắng cũng chính là người liên hệ với bị cáo Phong, giới thiệu để bị cáo Hương đưa bị cáo Duy đến gặp bị cáo Phong thỏa thuận việc chuyển nhượng cổ phần, tác động để bị cáo Phong đồng ý bán cổ phần.

Theo đại diện Viện Kiểm sát: Khi nhận số tiền 19 tỷ đồng từ bị cáo Hương (trong đó bị cáo Thắng được hưởng 5 tỷ đồng, bị cáo Thanh được hưởng 14 tỷ đồng), bị cáo Thắng biết rất rõ đó là số tiền mà Thắng và bị cáo Thanh được hưởng từ việc Thắng tác động đến bị cáo Thanh và bị cáo Phong là những người có quyền quyết định trong việc cho phép chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Khi nhận một số tiền lớn như vậy, bị cáo Thắng buộc phải biết đó là tiền phi pháp, là tiền chênh lệch giá từ việc Đinh Mạnh Thắng tác động đến bị cáo Thanh và bị cáo Phong. Vì vậy, Viện Kiểm sát khẳng định: Đinh Mạnh Thắng là người giúp cho bị cáo Thanh chiếm đoạt được số tiền 14 tỷ đồng của Nhà nước. Bản thân bị cáo Thắng chiếm đoạt được số tiền 5 tỷ đồng.

Cần thu hồi sung quỹ Nhà nước khoản tiền 19 tỷ đồng

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát đã nêu rõ quan điểm về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án. Cụ thể, trong số tiền 49 tỷ đồng đã bị các bị cáo chiếm đoạt, có khoản tiền 19 tỷ đồng bị Trịnh Xuân Thanh cùng Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt (đã được Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng hoàn trả, chuyển lại cho Thái Kiều Hương), sau đó, được chuyển thành tiền Lê Hòa Bình thanh toán tiền mua cổ phần cho Công ty Vietsan.

Về số tiền 19 tỷ đồng này, Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử thu hồi của Công ty Vietsan để sung công quỹ Nhà nước.

Tuy nhiên, trong phần tranh tụng công khai tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của Công ty cổ phần đầu tư Vietsan có ý kiến cho rằng, sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 thì Hợp đồng số 05042010 ngày 5/4/2010 chuyển nhượng hơn 6 triệu cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư Vietsan đã bị hủy bỏ.

Công ty cổ phần đầu tư Vietsan đã chuyển trả lại cho Công ty Minh Ngân 93 tỷ đồng, trong đó có số tiền 19 tỷ đồng nêu trên. Đại diện Công ty cổ phần đầu tư Vietsan đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại đề nghị của Viện Kiểm sát.

Về nội dung này, quan điểm của Viện Kiểm sát cho rằng, quá trình điều tra vụ án đã làm rõ 19 tỷ đồng này là do Đinh Mạnh Thắng và Trịnh Xuân Thanh được chia hưởng trong số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt trong việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Sau khi sự việc bị phát hiện, Đinh Mạnh Thắng và Trịnh Xuân Thanh đã trả lại cho bị cáo Thái Kiều Hương số tiền này. 19 tỷ đồng đó đã được Thái Kiều Hương, Han Gi Cheol và Lê Hòa Bình thống nhất chuyển thành tiền thanh toán cổ phần giữa Công ty Vietsan và Công ty Minh Ngân. Xét thấy số tiền này là tài sản của PVP Land (là doanh nghiệp có vốn của PVC, trong đó có tài sản của Nhà nước), bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng được chia hưởng trong số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt của PVP Land.

Do vậy, căn cứ Khoản 3, Điều 47-Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Viện Kiểm sát cho rằng cần phải thu hồi sung công quỹ Nhà nước khoản tiền 19 tỷ đồng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục