Viện IW: Giáo dục Đức có nguy cơ mất vị trí đứng đầu tại châu Âu

Theo một nghiên cứu mới của IW, Đức đã bị tụt lại phía sau xét trên khía cạnh mở rộng giáo dục trong bối cảnh tiến trình này diễn ra mạnh mẽ trên toàn EU trong những năm gần đây.
Viện IW: Giáo dục Đức có nguy cơ mất vị trí đứng đầu tại châu Âu ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: dw)

Chất lượng giáo dục tại Đức đang ở mức cao hơn hẳn so với các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU) nhưng nghiên cứu của Viện Kinh tế IW cảnh báo vị trí dẫn đầu này có thể bị lung lay.

Một nền giáo dục tốt và hệ thống đào tạo hướng nghiệp chất lượng là điều rất quan trọng đối với nền kinh tế Đức.

Được coi là đầu tàu ở EU, kinh tế Đức phụ thuộc vào nguồn lao động có tay nghề cao trong các ngành sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ cao cấp.

Theo một nghiên cứu mới của IW, Đức đã bị tụt lại phía sau xét trên khía cạnh mở rộng giáo dục trong bối cảnh tiến trình này diễn ra mạnh mẽ trên toàn EU trong những năm gần đây.

Tại EU, tỷ lệ lao động trong độ tuổi 25-64 không có chứng chỉ nghề nghiệp hoặc bằng cấp giáo dục bậc cao đã giảm xuống mức 20,7% trong năm 2021, từ mức 27% của năm 2011. Điều này có được nhờ tiến trình mở rộng giáo dục diễn ra năng động ở khu vực Nam Âu. Tuy nhiên, tại Đức, tỷ lệ tương ứng lại tăng nhẹ lên mức 15,2% trong năm 2021 từ mức 13,4% của 10 năm trước đó.

[Việt Nam có 5 trường trong Bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu]

Nghiên cứu của IW cũng chỉ ra trong số những người trẻ tuổi (từ 25-34) được đào tạo nâng cao tại Đức, tỷ lệ có bằng cao đẳng, đại học là 35,7%, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 41,2% của EU. Nếu xét về tỷ lệ lao động trẻ được đào tạo nghề và đào tạo cao đẳng, đại học nói chung thì Đức với tỷ lệ 77% đang cao hơn mức trung bình 73,4% của toàn EU.

Tuy nhiên, theo IW, nhu cầu người lao động đang thay đổi trong bối cảnh kinh tế ngày càng số hóa, phi carbon hóa và phi toàn cầu hóa, Đức và EU càng cần phải đảm bảo lực lượng lao động được đào tạo cao nhất có thể.

IW là viện nghiên cứu tư nhân chuyên cung cấp các thông tin tư vấn cho giới chủ sử dụng lao động tại Đức. IW cho rằng Chính phủ Đức nên đảm bảo có biện pháp hỗ trợ sớm và tích cực để tất cả trẻ em tại nước này có cơ hội được đào tạo nghề bài bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục