Viện Huyết học đã thực hiện thành công 400 ca ghép tế bào gốc

Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương thành lập Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng và thực hiện thành công ghép tế bào gốc từ máu dây rốn không cùng huyết thống vào đầu năm 2015.
Viện Huyết học đã thực hiện thành công 400 ca ghép tế bào gốc ảnh 1Một bệnh nhân được ghép tế bào gốc thành công tại Viện huyết học truyền máu Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ năm 2006, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương bắt đầu triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc và đến nay đã thực hiện được 400 ca, trở thành đơn vị ghép tế bào gốc nhiều nhất và có chất lượng tại Việt Nam.

Tiến sỹ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng cho biết như vậy tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương diễn ra ngày 26/12 tại Hà Nội.

Theo tiến sỹ Khánh, năm 2014, Viện đã thành lập Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng và thực hiện thành công ghép tế bào gốc từ máu dây rốn không cùng huyết thống vào đầu năm 2015. Đây là bước ngoặt mở ra hy vọng cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu mà không có người hiến tế bào gốc phù hợp.

[Cứu sống bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa dưới ồ ạt bằng kẹp clip cầm máu]

Hiện nay, Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng đang lưu trữ trên 4.000 mẫu phục vụ cho ghép tế bào gốc điều trị các bệnh máu và các bệnh lý liên quan khác.

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã xây dựng được hệ thống phòng xét nghiệm hàng đầu ở Việt Nam. Nhờ đó, nhiều kỹ thuật cao về đông máu, miễn dịch, di truyền, sinh học phân tử… đã được triển khai như: Áp dụng xét nghiệm sinh học phân tử vào chẩn đoán trước sinh các bệnh máu di truyền trên cả mẫu tế bào ối và tế bào phôi, chẩn đoán các ca bệnh khó, theo dõi các ca bệnh điều trị bằng phương pháp nhắm đích, ghép tế bào gốc.

Đối với nhóm bệnh máu di truyền như hemophilia, thalassemia, Viện đã chẩn đoán, điều trị ngang tầm với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, Trung tâm Máu Quốc gia được thành lập đã khắc phục tình trạng khan hiếm máu dự trữ trong công tác điều trị.

Trong những năm qua, lượng máu tiếp nhận được hàng năm đã tăng lên nhanh chóng. Từ chỗ mới đạt gần 3.500 đơn vị máu vào năm 1994 và chỉ có khoảng 10% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, đến năm 2019, lượng máu tiếp nhận đã đạt hơn 355.000 đơn vị, trong đó tỷ lệ hiến máu tình nguyện chiếm trên 98%.

Trung tâm Máu Quốc gia đã điều chế được trên 640.000 đơn vị chế phẩm máu có chất lượng, đảm bảo an toàn truyền máu, cung cấp cho 170 bệnh viện phục vụ nhu cầu cấp cứu, điều trị của 25 tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ra đời vào ngày 31/12/1984 với tên gọi ban đầu là Viện Huyết học và Truyền máu, thuộc Bệnh viện Bạch Mai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục