Viễn cảnh nào đang chờ U19 Myanmar tại World Cup U20?

Trước Myanmar, hai đội bóng Đông Nam Á khác là Malaysia và Indonesia từng có dịp dự World Cup trẻ - phiên bản cũ của giải World Cup U20. Ở cả hai lần tham dự đó, bóng đá trẻ Đông Nam Á đều thảm bại.
Thế hệ hiện tại của U19 Myanmar đã thành công khi giành quyền tham dự đấu trường bóng đá trẻ lớn nhất thế giới. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

U19 Myanmar của huấn luyện viên Gerd Zeise đã trở thành đội tuyển Đông Nam Á đầu tiên trong lịch sử giành vé tham dự World Cup U20. Viễn cảnh nào đang chờ đợi họ tại ngày hội bóng đá trẻ lớn nhất hành tinh?

Trong hệ thống thi đấu của FIFA, World Cup U20 là giải đấu bóng đá trẻ ở cấp độ cao nhất được tổ chức riêng rẽ và được mang danh hiệu World Cup (bóng đá nam Olympic tổ chức cho lứa U23). Đây được coi là màn thử lửa cuối cùng, thanh chắn ngang cánh cửa mở ra sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp cho các cầu thủ trẻ trên toàn thế giới. Đây cũng là đấu trường đỉnh cao của bóng đá trẻ, là nơi đánh giá chính xác nhất thực lực các đội tuyển và năng lực đào tạo trẻ của từng quốc gia thuộc FIFA.

Do tính chất quan trọng đặc biệt ấy, World Cup U20 được các quốc gia dành sự quan tâm rất lớn. Những đội tuyển trẻ mạnh nhất thế giới, những thần đồng xuất sắc nhất đều tụ hội tại đây. Rất nhiều ngôi sao đã trưởng thành từ World Cup U20 trước khi tỏa sáng rực rỡ ở các câu lạc bộ hàng đầu thế giới. Lionel Messi là một ví dụ. Trước khi tỏa sáng tại Barcelona, anh từng vô địch World Cup U20 với Argentina và giành cú đúp Quả bóng vàng cùng danh hiệu Vua phá lưới.

Độ khốc liệt của World Cup U20 là điều mà các đội tuyển trẻ Đông Nam Á như Myanmar chưa từng trải qua. Nhưng trước đó, hai đội bóng Đông Nam Á khác là Malaysia và Indonesia từng có cơ hội tham dự World Cup trẻ - phiên bản cũ của giải World Cup U20. Ở cả hai lần tham dự đó, bóng đá trẻ Đông Nam Á đều thảm bại.

Tại World Cup trẻ năm 1979 tổ chức tại Nhật Bản, tuyển trẻ Indonesia nằm cùng bảng A với Argentina, Ba Lan và Nam Tư cũ. Đội bóng Đông Nam Á toàn thua cả ba trận, không ghi được một bàn và thủng lưới 16 lần. Dù vậy, người Indonesia cũng chẳng có gì phải nuối tiếc bởi đối thủ của họ ở giải đấu năm ấy chính là Diego Maradona thần thánh - khi đó mới bước sang tuổi 19.

Hai thập kỷ sau, bóng đá Đông Nam Á tiếp tục có cơ hội đến với Cúp thế giới trẻ khi Malaysia được vào thẳng vòng bảng giải đấu năm 1997 với tư cách nước chủ nhà. So với Indonesia, Malaysia tiến bộ hơn đôi chút. Họ vẫn không giành được điểm nào nhưng đã ghi được hai bàn vào lưới Morocco và Uruguay. Đó cũng là hai pha lập công duy nhất của vùng trũng Đông Nam Á ở đấu trường đỉnh cao của bóng đá trẻ thế giới.

Từ năm 2007, World Cup trẻ đổi tên thành World Cup U20. Sau năm lần tổ chức, đây là lần đầu tiên Đông Nam Á có đại diện giành vé tới vòng chung kết. Do có thứ hạng FIFA thấp và tham dự lần đầu tiên (không có thành tích tích lũy), tuyển trẻ Myanmar chắc chắn sẽ bị xếp vào những nhóm hạt giống cấp thấp. Nguy cơ rơi vào các bảng đấu khó vì thế là khá rõ ràng. Đấy cũng là số phận của Indonesia và Malaysia trong quá khứ.


Nhưng phải thừa nhận, việc giành quyền tham dự giải đấu sẽ giúp họ có cơ hội ngàn vàng để cọ xát và tích lũy kinh nghiệm, qua đó biết rõ mình đang đứng ở đâu.

Hiện tại, đã có 12 đội tuyển giành vé tham dự World Cup U20. Đó là bốn đội bóng châu Á Myanmar, Uzbekistan, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Qatar, sáu đội tuyển châu Âu Áo, Đức, Hungary, Bồ Đào Nha, Serbia, Ukraine, hai đội tuyển châu Đại Dương là Đảo Fiji và chủ nhà New Zealand./.


(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục