Viễn cảnh ảm đạm

Viễn cảnh ảm đạm đang chờ đợi Croatia bước vào EU

EU sẽ đón Croatia làm thành viên trong không khí ảm đạm khi thái độ hoài nghi của người dân với thiết chế của khối vẫn gia tăng.
Từ ngày 1/7, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đón Croatia làm thành viên thứ 28 trong một bầu không khí có phần ảm đạm khi thái độ hoài nghi của người dân châu Âu với các thiết chế của khối vẫn không ngừng tăng lên và đợt mở rộng gần đây nhất, năm 2007, vẫn để lại dư vị không mấy ngọt ngào.

Trên mặt tiền tòa trụ sở cao 14 tầng của Ủy ban châu Âu (EC) tại Brussels, Bỉ từ mấy ngày nay đã căng tấm biểu ngữ lớn "Chào mừng Croatia," thế nhưng từ cuối tháng trước, một văn kiện của EC cảnh báo thiết chế này có thể nhanh chóng tiến hành các thủ tục "kỷ luật" Zagreb vì lý do có mức thâm hụt ngân sách công vượt quá trần quy định của EU.

Hiện nay,nợ công của Croatia mới tương đương 54% GDP, nhưng theo EC, con số này sẽ nhanh chóng vượt ngưỡng giới hạn do EU áp đặt là 60% vào năm 2014.

Năm nay, Zagreb đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng 0,7% và năm sau là 2,4%, nhưng EC dự báo nền kinh tế nước này có thể suy giảm 0,1% năm 2013 và hồi phục một cách khiêm tốn 0,2% một năm sau.

Trong khi đó, thâm hụt ngân sách có thể lên đến 4,7% GDP năm 2013 và tới 5,6% năm 2014, vượt xa giới hạn 3% của EU, còn tỷ lệ thất nghiệp có thể vượt quá 18%.

[Quốc hội Đức "bật đèn xanh" cho Croatia gia nhập EU]


Văn kiện của EC cũng nhấn mạnh Croatia đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn để khôi phục tăng trưởng, củng cố ngân sách công và cải thiện sức cạnh tranh.

Tờ nhật báo lớn nhất của Đức, Bild, đã tóm tắt thành tích của Croatia trong một câu vắt tắt: "Nợ nần, tham nhũng và thất nghiệp cao," đồng thời cảnh báo thành viên mới của EU có nguy cơ trở thành "một Hy Lạp kế tiếp sẽ nuốt chửng hàng tỷ euro của Berlin."

Tại châu Âu, đã xuất hiện nhiều câu hỏi về khả năng hội nhập một thành viên mới yếu ớt của EU trong bối cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn hiện nay. Trước Croatia, Bulgaria và Romania gia nhập EU năm 2007 và đến nay, hai nước thành viên nghèo nhất này tiếp tục "lẽo đẽo đi sau".

Tham nhũng vẫn là căn bệnh trầm kha, ngăn cản Bulgaria và Romania tham gia không gian tự do đi lại Schengen. Theo một nghiên cứu của hãng tư vấn Ernst & Young công bố đầu tháng 5, Croatia có mức độ tham nhũng cao thứ hai châu Âu, chỉ xếp sau Slovenia, nước gia nhập EU năm 2004.

Thời điểm Zagreb bước vào ngôi nhà chung EU cũng không thể nào xấu hơn, khi dư luận ngày càng có cái nhìn hoài nghi đối với hiệu quả thực sự của tiến trình mở rộng liên minh.

Một cuộc thăm dò của Cơ quan nghiên cứu dư luận EU, Eurobaromètre, thực hiện vài tháng sau khi khối kết nạp Bulgaria và Romania, cho thấy gần một nửa công dân châu Âu ủng hộ việc tiếp tục mở rộng sang các nước khác (49% ủng hộ, so với 39% phản đối).

Nhưng từ đó, tỷ lệ ý kiến thuận giảm và xu thế bắt đầu đảo ngược. Thăm dò giữa năm 2012 cho thấy có tới 52% phản đối mở rộng và chỉ có 38% ủng hộ.

Ngay tại Croatia, thái độ thờ ơ cũng có thể cảm nhận được khi tỷ lệ cử tri tham gia cuộc bầu cử đại diện của nước này vào Nghị viện châu Âu (EP) hồi tháng 4 vừa qua, cuộc bầu cử châu Âu đầu tiên được tiến hành ở Croatia, đạt mức rất thấp, chỉ 20,79% (trong số 3,7 triệu cử tri).

Croatia nộp đơn xin gia nhập EU từ năm 2003 và kết thúc tiến trình đàm phán hồi tháng 6/2011. Theo kế hoạch, Croatia sẽ là thành viên chính thức của ngôi nhà chung EU từ ngày 1/7 tới và là quốc gia thứ hai thuộc Liên bang Nam Tư trước đây gia nhập EU, sau Slovenia năm 2004./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục