'Việc trùng tu, tôn tạo các di tích tại một số địa phương còn nhiều bất cập'

Theo các chuyên gia, việc trùng tu di tích lịch sử văn hóa nếu làm tốt thì có thể mang lại cơ hội vàng để phát triển du lịch, đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương.
Sân rồng và chính điện Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng. Trải qua thăng trầm, đền đã trải một số lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, tôn nghiêm. (Ảnh: Phương Anh/Vietnam+)

Việc trùng tu, tôn tạo các di tích tại một số địa phương chưa bảo đảm các quy định của pháp luật; chất lượng nhân lực quản lý, thực hiện bảo tồn, tu bổ di tích còn hạn chế.

Đó là nhận định của Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại hội thảo khoa học “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch” diễn ra ngày 25/10 tại Ninh Bình.

Theo bà Phương, trải qua hàng nghìn năm xây dựng và phát triển đất nước, các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam đã sáng tạo và lưu truyền lại một kho tàng di sản văn hoá vô cùng đồ sộ, phong phú và đa dạng, trong đó có hàng vạn di tích lịch sử văn hoá có giá trị, thuộc các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Các di tích lịch sử văn hóa đã và đang được nhà nước, cộng đồng nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của các địa phương tham gia hỗ trợ, đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị trong đời sống đương đại.

(Từ trái sang) Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình; Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; ông Trần Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích điều hành hội thảo. (Ảnh: Phương Anh/Vietnam+)

Tuy nhiên, quá trình bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa còn bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập.

“Vai trò của các bên tham gia bảo tồn, tôn tạo di tích, khai thác phát triển kinh tế, du lịch, đặc biệt là vai trò của cộng đồng chưa có sự phân cấp, xác định trách nhiệm, phân chia lợi ích rõ ràng. Kết quả huy động các nguồn lực xã hội hóa để tu bổ tôn tạo di tích chưa tương xứng với tiềm năng vị thế của các di sản văn hóa,” bà Phương nêu rõ.

Ngoài ra, sự liên kết, hợp tác giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương trong chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa-du lịch, đóng góp vào sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo còn hạn chế và bất cập.

Cùng quan điểm đó, Tiến sỹ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nhà quản lý đã bỏ qua cơ hội vàng để chỉnh trang những khu phố di sản hấp dẫn về văn hóa lịch sử, có sức thu hút du khách, đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Phương Anh/Vietnam+)

Theo ông Sơn, quá trình hiện đại hóa đang đe dọa nghiêm trọng đến các giá trị văn hóa lịch sử của đô thị, đặc biệt về quy hoạch, kiến trúc và môi trường.

"Việc nhiều tỉnh thành tại Việt Nam hiện nay chỉ tập trung bảo vệ công trình di tích mà coi nhẹ sự cần thiết của giải pháp tổng thể cho các khu trung tâm lịch sử và vùng di sản là một sai lầm. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều không gian di sản bị xâm phạm gián tiếp bởi công trình lân cận,” ông Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Theo Viện Bảo tồn di tích, thống kê đến giữa năm 2024, Việt Nam có tám di sản được công nhận Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 133 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 3.628 di tích xếp hạng cấp quốc gia và khoảng 11.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh./.

Hội thảo khoa học “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch” do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, hội thảo nhằm nghiên cứu, thảo luận làm rõ thực trạng triển khai các giải pháp, chính sách, mô hình, bài học kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống, phát triển kinh tế, du lịch ở các bộ, ban, ngành, địa phương hiện nay.

Hội thảo sẽ gợi mở, đề xuất giải pháp và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương nhằm điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp, nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa ở các địa phương trong cả nước thời gian tới.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục