Việc tiêu thụ vải thiều ở Nhật Bản có nhiều tiến triển thuận lợi

Phía Nhật Bản đã ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam thực hiện đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng, tạo điều kiện cho quả vải thiều sang Nhật Bản được thuận lợi hơn.
Việc tiêu thụ vải thiều ở Nhật Bản có nhiều tiến triển thuận lợi ảnh 1Quầy bày bán vải thiều Việt Nam tại siêu thị AEON Nhật Bản. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 26/5, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết sau một năm Nhật Bản mở cửa thị trường cho quả vải thiều của Việt Nam, tình hình xuất khẩu và tiêu thụ nông sản này ở thị trường Nhật Bản đang có nhiều tiến triển thuận lợi bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản không cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp khâu đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng.

Thay vào đó, phía Nhật Bản đã ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam thực hiện việc công việc này. Điều đó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong khâu chuẩn bị xuất khẩu, tạo điều kiện cho quả vải thiều sang Nhật Bản được thuận lợi hơn.

[Bắc Giang: Hình ảnh Tân Yên vượt đại dịch "tiễn" vải thiều đi Nhật Bản]

Theo ông Tạ Đức Minh, ngày 23/5, những lô vải đầu tiên của Việt Nam do công ty Sunrise Farm (Nhật Bản) ký kết với Công ty Cổ phẩn Ameii Việt Nam đã cập cảng Nhật Bản.

Trong vụ thu hoạch này, các công ty đầu mối xuất khẩu vải thiều của Việt Nam đã lên kế hoạch xuất khẩu khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi sang Nhật Bản.

Để có được kết quả đó, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản năm nay đã sớm triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh quả vải Việt Nam tại Thủ đô Tokyo và nhiều địa phương của Nhật Bản, phối hợp với đầu mối nhập khẩu phía Nhật Bản phổ biến rộng rãi thông tin tới cộng đồng về chương trình mua vải theo hình thức trực tuyến, đồng thời tích cực kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư các công nghệ hiện đại giúp xử lý, bảo quản quả vải tươi hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, ông Tạ Đức Minh khuyến cáo để tiếp tục đưa quả vải thiều vào thị trường này, trước tiên, phía Việt Nam “cần phải duy trì chất lượng quả vải sạch, đảm bảo giá thu mua, giá bán và giá xuất khẩu ổn định, đồng thời tích cực củng cố và đẩy mạnh nâng cao hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường khó tính bậc nhất thế giới này.”

Theo ông Tạ Đức Minh, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan ở trong nước cũng như các siêu thị và hệ thống phân phối tại Nhật Bản để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, giúp cho quả vải thiều được nhiều người Nhật Bản biết tới hơn nữa.

Việt Nam bắt đầu khởi động quá trình đàm phán với Nhật Bản về việc cho phép quả vải thiều tươi nhập khẩu vào thị trường này vào năm 2014. Sau quá trình đàm phán khó khăn kéo dài hơn 5 năm, ngày 15/12/2019, Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã gửi thư cho Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam vào thị trường nước này.

Tuy nhiên, MAFF yêu cầu quả vải thiều phải trải qua một quy trình kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt trước khi nhập khẩu vào nước này.

Vào đầu tháng 6/2020, bất chấp các khó khăn do sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, với sự vận động quyết liệt của Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cùng với các cơ quan chức năng Việt Nam, một chuyên gia nông nghiệp của Nhật Bản đã được cử sang Việt Nam để giám sát khâu đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng, qua đó hoàn tất công đoạn cuối cùng theo quy định của Nhật Bản để quả vải thiều có đủ điều kiện nhập khẩu vào nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục