Việc mở cửa thị trường sữa EU gây nhiều phản ứng trái ngược

EU đã chính thức xóa bỏ hạn ngạch sản xuất sữa, vốn được áp dụng từ 30 năm qua, song việc này gây ra nhiều phản ứng trái ngược trong cộng đồng các nhà sản xuất sữa.
Việc mở cửa thị trường sữa EU gây nhiều phản ứng trái ngược ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: farminglife.com)

Ngày 1/4, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức xóa bỏ hạn ngạch sản xuất sữa, vốn được áp dụng từ 30 năm qua. Kể từ nay, các nông dân trong liên minh gồm 28 nước này có thể sản xuất sữa tùy theo ý muốn.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất sữa tại khu vực này đón nhận thông tin này với thái độ khác nhau.

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhu cầu sữa đã tăng mạnh tại châu Âu và cần phải sản xuất càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, đến những năm 1970, châu Âu rơi vào tình trạng cung vượt cầu.

Để bảo đảm thu nhập cho người sản xuất, từ năm 1962 đến 1984, trong khuôn khổ Chính sách Nông nghiệp chung, Cộng đồng châu Âu (tên gọi trước đây của EU) tiến hành mua lại sữa, qua đó khống chế được khối lượng và giá cả sữa trên thị trường.

Tuy nhiên, đến năm 1984, Cộng đồng châu Âu đã áp dụng chính sách hạn ngạch.

Từ năm 2009 đến 2013, EU từng bước giảm hạn ngạch và kể từ ngày 1/4 này, thị trường sữa được tự do hóa hoàn toàn, qua đó đáp ứng nhu cầu gia tăng của nhiều nước, đặc biệt là thị trường các nước đang trỗi dậy, như Trung Quốc.

Việc mở cửa thị trường sữa gây ra nhiều phản ứng trái ngược. Một số người cho rằng đây là cơ hội vàng để mở rộng sản xuất, trong khi đó các chủ nông trại nhỏ lo ngại rằng việc xóa bỏ hạn ngạch sản xuất sẽ khiến giá sữa sẽ giảm, gây thiệt hại cho bản thân họ.

Tại Đức, nước sản xuất sữa hàng đầu EU, và tại Ireland, một nước xuất khẩu sữa lớn, các hiệp hội nông nghiệp hân hoan chào đón thông tin xóa hạn ngạch sữa có từ năm 1984.

Hiệp hội nông dân Đức (DBV) đánh giá họ có thể quyết định được lượng sữa sẽ sản xuất theo nhu cầu của thị trường.

Còn Hiệp hội Nông dân Ireland (IFA) dự tính rằng quyết định xóa bỏ hạn ngạch sẽ giúp nước này tạo thêm 9.500 việc làm và mang lại thêm 1,3 tỷ euro từ việc xuất khẩu các sản phẩm sữa.

Hiệp hội sữa châu Âu, đại diện cho ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm sữa, cũng hoan nghênh thông báo trên. Theo họ, quyết định này sẽ làm giảm bớt gánh nặng hành chính, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực.

Tuy nhiên, Tổ chức các nhà sản xuất sữa châu Âu (EMB), gồm 14 nước và đại diện cho 100.000 nhà sản xuất, lại lo ngại giá sữa sẽ giảm thảm hại trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục