Việc kiểm soát thuốc lá mới tại các quốc gia và tình hình Việt Nam

Đại diện Bộ Y tế, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh: “Dù quản lý thuốc lá mới theo xu hướng, mô hình nào cũng cần đánh giá tác động chính sách một cách đầy đủ.”
Bà Đinh Thị Thu Thủy phát biểu tại Tọa đàm về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới đối với thanh thiếu niên do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức vào tháng 10/2023. (Nguồn: quochoi.vn )

Vấn đề quản lý thuốc lá mới hiện đang được thảo luận giữa các bộ ngành trên 2 luồng quan điểm: nên cấm toàn bộ hay nên kiểm soát một số sản phẩm phù hợp với Luật hiện hành? Biện pháp nào cũng có những mặt tích cực và hạn chế.

Hiện nay, theo điều 2.1 của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị các nước toàn quyền quyết định chính sách kiểm soát thuốc lá mới dựa theo 3 tùy chọn sau: Một là cấm hoàn toàn: Hai là quản lý như dược phẩm (đối với thuốc lá điện tử); Ba là kiểm soát bằng bộ luật đang áp dụng cho thuốc lá điếu.

Đặc biệt, nhiều quốc gia không chỉ chủ động bãi bỏ lệnh cấm, mà còn thúc đẩy nhiều chính sách ưu đãi, công nhận khả năng giảm tác hại của thuốc lá mới so với thuốc lá điếu.

Những quốc gia đảo ngược lệnh cấm thuốc lá mới

Bộ Y tế New Zealand trước đây từng phản đối thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, sau khi xem xét các sở cứ khoa học mới nhất, cơ quan này đã thay đổi quan điểm, công bố rằng thuốc lá điện tử ít gây hại hơn so với hút thuốc lá điếu, và việc chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử giúp người dùng có thể giảm nguy cơ về sức khỏe cho bản thân và người xung quanh.

Năm 2011, chính phủ New Zealand đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi ngày sẽ có dưới 5% người dân hút thuốc. Bộ Y tế New Zealand cho biết: “Thuốc lá điện tử có tiềm năng đóng góp vào mục tiêu này bằng cách giúp người hút thuốc cai thuốc lá điếu hoặc giảm số lượng thuốc lá họ hút.”

Bhutan từng cấm hoàn toàn mọi loại thuốc lá từ năm 2004. Song bất chấp khung pháp lý nghiêm ngặt lẫn mật độ dân số thấp, thị trường thuốc lá chợ đen tại quốc gia này vẫn bành trướng. Đồng thời, tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá vẫn không giảm nhiều như kỳ vọng, từ 24,8% vào năm 2014 chỉ giảm xuống 23,9% vào năm 2019.

Do vậy, lệnh cấm trên đã được gỡ bỏ vào năm 2022. Gần nhất, vào tháng 12 năm ngoái, Bhutan cũng chính thức cho phép thương mại hóa thuốc lá làm nóng tại thủ đô Thimphu.

Ngày 23/3/2021, Uruguay đã bãi bỏ lệnh cấm năm 2009 đối với thuốc lá làm nóng. Cùng với Anh, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Uruguay đã nhìn nhận các sản phẩm không khói này là một phần của chính sách quản lý y tế cộng đồng bởi có ít nguy cơ hơn so với thuốc lá điếu.

Quản lý riêng biệt cho từng loại thuốc lá mới

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa quyết định được hướng ứng xử đối với thuốc lá mới sao cho hài hòa lợi ích các bên liên quan, cân đối lợi ích sức khỏe, kinh tế, người dùng và doanh nghiệp.

Ở bối cảnh pháp lý toàn cầu, bên cạnh chính sách hợp pháp hóa tất cả thuốc lá mới, một số quốc gia chỉ quản lý theo sản phẩm cụ thể, tùy thuộc vào điều kiện của nước sở tại.

Điển hình, tại châu Á, tháng 1/2023, Đài Loan đã thông qua nội dung sửa đổi Đạo luật Phòng chống Tác hại thuốc lá năm 2009, bao gồm: tăng độ tuổi hợp pháp được mua thuốc lá, cấm thuốc lá điện tử, và quản lý thuốc lá làm nóng.

Tại Nhật Bản, kể từ 2014, thuốc lá làm nóng được cập nhật vào Đạo luật kinh doanh Thuốc lá năm 1984, cho phép thương mại hóa với những quy định được nới lỏng hơn so với thuốc lá điếu. Cụ thể là thuốc lá làm nóng chịu thuế suất thấp hơn, quy định dán nhãn cảnh báo sức khỏe ít nghiêm ngặt hơn, và được phép sử dụng tại nhiều khu vực công cộng (nhà hàng, taxi…).

Thuốc lá điện tử được xem là dược phẩm, song thực tế chưa có sản phẩm nào được Bộ Y tế Nhật phê duyệt. Dù vậy, người dùng vẫn có quyền mua lượng dung dịch nicotine đủ dùng đến 1 tháng, và tự do dùng thuốc lá điện tử không chứa nicotine.

Trong khi đó tại Australia, thuốc lá làm nóng bị coi là bất hợp pháp, còn thuốc lá điện tử được xem như dược phẩm kê toa theo chỉ định của bác sỹ.

Thực tiễn trên cho thấy, chính sách quản lý thuốc lá mới trên toàn cầu rất đa dạng. Kết luận tại Hội nghị Các bên lần thứ 10 (COP10) vào tháng 2 năm nay nhấn mạnh, các nước có quyền tự quyết chính sách quản lý thuốc lá mới dựa trên điều kiện trong nước, có thể nằm ngoài khuyến nghị chung theo Công ước FCTC.

Tại nhiều cuộc họp trước đó, Công ước FCTC cũng khuyến nghị các nước chưa có quy định cho thuốc lá mới như Việt Nam cần quản lý thay vì buông lỏng. Việc này nhằm chống lại quá trình bình thường hóa việc sử dụng thuốc lá, tránh tạo điều kiện cho buôn lậu và các tệ nạn xã hội leo thang.

Hiện vẫn chưa có kết luận kịch bản nào sẽ phù hợp cho Việt Nam. Tuy nhiên, các bộ ngành liên quan đã nhấn mạnh, cơ chế quản lý thuốc lá mới cần hài hòa, tránh chỉ tập trung vào một số vấn đề trước mắt như ma túy trá hình thuốc lá điện tử hoặc vấn nạn tội phạm buôn lậu dụ dỗ giới trẻ.

Bà Đinh Thị Thu Thủy phát biểu tại Tọa đàm về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới đối với thanh thiếu niên do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức vào tháng 10/2023. (Nguồn: quochoi.vn )

Đối với Bộ Y tế, quan điểm chung là vẫn cấm thuốc lá mới vì phù hợp với Việt Nam trong thời điểm này. Song đại diện Bộ Y tế, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng nhấn mạnh: “Dù quản lý thuốc lá mới theo xu hướng, mô hình nào cũng cần đánh giá tác động chính sách một cách đầy đủ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục