Các quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới có thể nhận thấy rằng việc giải phóng các kho dự trữ chiến lược - một trong những công cụ chính của họ để chống lại giá dầu cao trên toàn cầu - sẽ không đủ để xoa dịu tình hình thiếu hụt nguồn cung dầu từ Nga kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine.
Đầu tháng Ba năm nay, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã quyết định giải phóng 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược, đánh dấu đợt giải phóng kho dự trữ dầu lớn nhất từ trước tới nay, nhằm phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới các thị trường dầu rằng sẽ không có tình trạng thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine.
Theo các nguồn tin, Mỹ đang xem xét tiến hành thêm một đợt giải phóng lớn khác, lên tới 180 triệu thùng, từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của nước này trong nhiều tháng để ngăn chặn tình trạng lạm phát năng lượng tiêu dùng.
[IEA họp khẩn về việc xả kho dự trữ dầu chiến lược trong ngày 1/4]
Nhưng cho tới nay, các thỏa thuận được công bố vẫn không thể ngăn chặn đà tăng chóng mặt của giá dầu, qua đó càng cho thấy “sức mạnh giới hạn” của các kho dự trữ dầu khẩn cấp trong việc giải quyết các vấn đề về nguồn cung dài hạn như tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhu cầu tiêu dùng mạnh và năng lực hạn chế của các nhà sản xuất khác nhằm bù đắp sự thiếu hụt sản lượng.
Josh Young, Giám đốc đầu tư của công ty đầu tư năng lượng Bison Interest (Mỹ), cho biết: "Trong lịch sử, các đợt giải phóng kho dự trữ dầu mỏ đã tạm thời khiến giá dầu 'hạ nhiệt' và sau đó giá vẫn tăng trở lại do thị trường không đủ nguồn cung. Do vậy, có khả năng giá dầu sẽ tăng trở lại sau đợt giảm giá tạm thời ban đầu và các nước có thể phải nạp lại kho dự trữ của họ với giá thậm chí còn cao hơn."
Một số quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu - bao gồm Mỹ - đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Điều này khiến thị trường dầu toàn cầu bị thắt chặt hơn nữa, giữa bối cảnh nhu cầu nhiên liệu tăng trở lại sau đại dịch và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hạn chế bơm thêm dầu ra thị trường.
IEA dự kiến mỗi ngày, 3 triệu thùng dầu của Nga - tương đương hơn 1/3 lượng dầu xuất khẩu của Nga - sẽ bị tắc lại ở biên giới nước này do các lệnh trừng phạt và các đối tác từ chối mua.
Trong khi đó, việc giải phóng kho dự trữ dầu mỏ lặp đi lặp lại sẽ càng “làm mỏng tấm đệm” nguồn cung của thế giới.
John Paisie, Chủ tịch công ty tư vấn Stratas Advisors có trụ sở tại Houston (Mỹ), cho biết tác động của mỗi đợt giải phóng kho dự trữ dầu đối với thị trường sẽ giảm dần.
Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra phát biểu về các động thái sắp tới của Nhà Trắng nhằm kiềm chế giá dầu vào ngày 31/3 (giờ địa phương).
Thông tin này đã đẩy giá dầu giảm hơn 4% vào cuối ngày 30/3, nhưng cũng vấp phải sự hoài nghi của một số nhà phân tích.
Vào tháng 11/2021, Chính phủ Mỹ cũng đã cam kết bơm 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược trong một động thái phối hợp với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, thỏa thuận đó cũng không thể ngăn giá dầu leo lên trên 100 USD/thùng.
Tổng khối lượng dầu trong các kho dự trữ chiến lược quốc gia của các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đạt 1,48 tỷ thùng vào cuối năm 2021, giảm hơn 100 triệu thùng so với mức “đỉnh” ghi nhận vào năm 2017.
Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy kho dự trữ dầu chiến lược của nước này hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Một số nhà phân tích đã kêu gọi các chính phủ giải phóng nhiều dầu hơn nữa từ kho dự trữ.
Ngân hàng JP Morgan đề xuất IEA giải phóng 50 triệu thùng mỗi tháng hoặc nhiều hơn trong thời gian còn lại của năm nay.
Neil Atkinson, một nhà phân tích dầu mỏ và là cựu quan chức cấp cao của IEA, cho rằng chỉ những đợt giải phóng dầu lớn từ kho dự trữ mới đủ để tạo ra sự khác biệt trong thị trường dầu toàn cầu.
Kevin Book, nhà phân tích chính sách năng lượng tại công ty nghiên cứu độc lập ClearView Energy Partners ở Washington (Mỹ), cho biết : “Dự trữ dầu chiến lược có giới hạn trong khi lượng dầu thương mại lại không. Nguồn cung dầu thương mại dừng chảy là một vấn đề lớn hơn, trong khi các kho dự trữ chiến lược chỉ có thể giải quyết vấn đề trong ngắn hạn.”
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, với sản lượng tăng gần gấp đôi kể từ những năm 2000, đưa quốc gia này lên vị trí nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới.
Nhưng sau khi sản lượng dầu giảm mạnh trong đại dịch COVID-19, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo nước này sẽ trở lại là nhà nhập khẩu ròng dầu vào năm 2022, trước khi có thể xuất khẩu ròng vào năm 2023.
Trong khi đó, OPEC và các đồng minh bao gồm Nga, còn được gọi là OPEC+, đã cắt giảm sản lượng sau khi nhu cầu suy yếu do đại dịch.
Mặc dù nhu cầu dầu đã phục hồi nhờ các hạn chế liên quan tới đại dịch COVID-19 được nới lỏng, song OPEC+ có khả năng sẽ bám trụ với kế hoạch tăng sản lượng khiêm tốn trong những tháng tới, tiếp tục từ chối các lời kêu gọi đẩy nhanh kế hoạch nâng sản lượng từ các quốc gia tiêu thụ dầu lớn./.