Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị quản lý nhà máy điện hạt nhân Fukushima, ngày 24/12 cho biết việc dọn dẹp đống đổ nát tại nhà máy này sẽ bị hoãn lại một năm do đại dịch COVID-19 làm chậm kế hoạch triển khai các trang thiết bị chuyên dụng.
Ông Akira Ono, một quản lý của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cho biết TEPCO đã lên kế hoạch di dời nhiên liệu của một trong những lò phản ứng hạt nhân bị tan chảy vào năm tới và để thực hiện công việc khó khăn này, cần phải sử dụng một cánh tay máy được chế tạo tại Anh.
Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 tại Anh gần đây đã khiến việc vận chuyển thiết bị này sang Nhật Bản bị hoãn lại và khó có thể thực hiện vào tháng 1/2021 như kế hoạch.
Theo ông Akira Ono, việc chuyển giao cánh tay máy bị chậm chễ là điều đáng tiếc song ông khẳng định điều này sẽ không chậm chễ quá một năm.
['Tường băng' ngăn nước nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima Daiichi]
Dự kiến, quá trình dọn dẹp đống đổ nát ước tính khoảng 237 tấn tại tổ máy số 2 sẽ phải mất vài năm. Theo ước tính, tổng khối lượng đổ nát tại 3 tổ máy của nhà máy điện hạt nhân Fukushima lên tới 880 tấn.
Ngoài việc phải xử lý số rác thải hạt nhân trên, nhà máy còn phải đối diện với nhiều thách thức khó khăn khác, bao gồm việc tìm ra cách thức xử lý lượng nước bị ô nhiễm trong các bồn lớn tại khu vực nhà máy.
Sau "thảm họa kép" động đất và sóng thần xảy ra vào tháng 3/2011 khiến gần 19.000 người thiệt mạng và mất tích, đồng thời gây ra sự cố rò rỉ hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima, khoảng 300.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực xung quanh nhà máy.
Hơn 4.000 công nhân đã tham gia quá trình dọn dẹp, trong đó có cả hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) được dùng để lọc nước nhiễm xạ.
Cho đến nay, lãnh đạo nhà máy điện hạt nhân Fukushima tuyên bố quá trình xử lý đã thành công tới mức nước có thể được xả trở lại môi trường./.