Việc đổi mới giáo dục là trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh ngành Giáo dục-Đào tạo cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Chiều 8/2, Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần 2022.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo kết quả công tác năm 2021, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2022 và các ý kiến trao đổi, thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương những thành tựu trong năm học vừa qua của toàn ngành Giáo dục, toàn thể thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục cả nước đã vượt qua thử thách của dịch COVID-19 để thực hiện tốt sự nghiệp “trồng người.”

Theo ông Trần Thanh Mẫn, năm 2021 là một năm với thời gian học sinh đến trường ít chưa từng có do ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên ngành Giáo dục và Đào tạo vẫn đạt những kết quả nổi bật. Học sinh, giáo viên thích ứng nhanh với học trực tuyến, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2020-2021.

Cùng với đó, lần đầu tiên Việt Nam có trường đại học trong nhóm 500 thế giới đó là Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Tất cả các thí sinh dự thi Olympic quốc tế đều đoạt giải, gồm 12 huy chương Vàng, 13 huy chương Bạc, 10 huy chương Đồng và 2 Bằng khen. Các đoàn học sinh Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất tại các Olympic quốc tế với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.

Hưởng ứng chương trình "Sóng và máy tính cho em,” các tập đoàn viễn thông đã xây dựng thêm gần 300 điểm phát sóng tại các địa phương bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các tổ chức, đơn vị đã cam kết ủng hộ hơn 1 triệu máy tính. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã huy động được hơn 142 tỷ đồng, hơn 28.000 máy tính bảng, hơn 28.000 điện thoại thông minh và gần 80.000 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác.

[Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Năm 2022, thách thức lớn hơn đang chờ phía trước] 

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Mẫn cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại, hạn chế của ngành Giáo dục mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong thời gian qua. Cụ thể như việc dạy và học trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn; việc thi, kiểm tra đánh giá sao cho phù hợp với thực tế hiện nay; vấn đề công bằng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, giữa các nhóm học sinh; chất lượng đội ngũ nhà giáo, chất lượng sách giáo khoa; tiến độ chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dạy học; vấn đề an toàn cho học sinh trên môi trường mạng; sức khỏe tâm thần của học sinh khi học trực tuyến…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề cập đến vấn đề thừa, thiếu giáo viên; đến giữa năm 2021, cả nước còn thiếu 94.714 giáo viên, song cũng thừa đến 10.178 giáo viên ở các cấp học. Nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy ở nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa được hiện đại hóa tương xứng, còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa thực sự chú ý kỹ năng mềm cho người học.

Ngành Giáo dục cần tìm hiểu cặn kẽ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó có các giải pháp trước mắt, lâu dài, cụ thể và căn cơ nhằm giải quyết những vấn đề hạn chế nêu trên. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai bên cần có sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh vai trò của giáo dục được đặc biệt coi trọng và là ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia để “Nâng cao dân trí-cung cấp nguồn nhân lực có trình độ-bảo vệ thể chế chính trị của đất nước-bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao.” Đảng và Nhà nước cũng đã khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu,” chọn khoa học và giáo dục làm khâu đột phá cho phát triển, chọn giáo dục làm tiền đề, làm xương sống của phát triển bền vững. Việc đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay là trách nhiệm của các cấp, ngành, các nhà khoa học và toàn xã hội.

Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức quan tâm những yêu cầu, những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Trước hết, giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo cho học sinh, sinh viên, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Ngành Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, "lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo;” xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo.

Ngành hoàn thiện và thực hiện ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo; gắn kết chặt chẽ giáo dục và đào tạo với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới; thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.

Thay mặt toàn ngành cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội và các thành viên Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết các nội dung được Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý cũng đang là những vấn đề trọng tâm mà ngành Giáo dục nỗ lực, ra sức triển khai.

Nhận định ngành Giáo dục trong năm 2021, 2022 đứng trước thách thức to lớn, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đây chính là thời điểm toàn ngành triển khai những công việc rất quan trọng trong lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục-đào tạo, từ bậc Mầm non, Phổ thông, Giáo dục thường xuyên đến Đại học; trong đó, có triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ trưởng cho rằng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được triển khai theo Nghị quyết 88 của Quốc hội và các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, diễn ra với tốc độ rất nhanh, phạm vi tác động rộng lớn, sự thay đổi rất sâu sắc, kỳ vọng hết sức lớn lao và triển khai bằng một phương thức chưa có tiền lệ là xã hội hóa, lại trong tình hình ứng phó với dịch bệnh, cộng thêm điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, sự thiếu thốn về các điều kiện triển khai. Đây là thách thức lớn mà để vượt qua không thể chỉ một mình ngành Giáo dục.

Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo Quốc hội và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành để cùng vun đắp cho sự nghiệp giáo dục, thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục