Cháy rừng lan rộng do sự kết hợp giữa gió, hệ thống thực vật dày đặc và địa hình đồi núi hiểm trở.
Gió thổi khiến lửa bùng lên, tác động tới hướng cháy của ngọn lửa, đưa tàn lửa và các vật cháy nhỏ đi nhiều nơi khác, khiến cho ngọn lửa có thể lan qua cả những con đường hay vành đai phòng cháy.
Hệ thực vật cung cấp nhiên liệu cho ngọn lửa. Rừng càng khô thì lửa lan càng nhanh…
Lửa cháy rừng có thể lan đi với tốc độ lên tới 5 km/h. Rừng càng có nhiều bụi rậm, lửa lan càng nhanh và mạnh - đặc biệt là khi tầng cây thấp không được phát quang thường xuyên. Một thảm lá khô là chất cháy hoàn hảo cho ngọn lửa.
Ở các khu vực có địa hình đồi núi, các dốc núi theo hướng đi lên thường khiến lửa cháy nhanh hơn, còn khi đi xuống, lửa thường cháy chậm hơn.
Các máy bay phát hiện cháy thường xuyên giám sát 24/7 các khu vực có nguy cơ cao.
Ngay khi phát hiện được đám cháy, máy bay theo dõi sẽ đổ nước trộn với chất làm chậm quá trình cháy lên đó. Đây là một loại muối chống cháy, giúp cho hệ thực vật trong rừng không bị ngọn lửa đốt cháy.
Nếu ngọn lửa lan rộng hơn, các máy bay vận tải mang theo nước với khối lượng lớn hơn sẽ bay qua lại khu vực này, tận dụng khả năng mang theo tới 6.000 lít nước của mình để dập lửa.
Trên mặt đất, lính cứu hỏa được triển khai và điều phối bởi một trung tâm chỉ huy để đảm bảo rằng họ không bị hàng tấn nước được thả từ trên cao xuống làm cho bị thương.
Có 2 chiến lược chống cháy rừng có thể triển khai: Một là tấn công, trong đó lính cứu hỏa đến gần với đám cháy nhất có thể và tiến hành kiềm chế nó từ mọi phía.
Hai là có thể sử dụng chiến thuật phòng thủ, trong đó các đội chữa cháy sẽ chờ lửa lan tới và sử dụng một hàng rào xe cứu hỏa để bảo vệ các khu vực dễ bị tổn thương.
Trong một số trường hợp nhất định, ở các vùng rừng không có người ở, lực lượng kiểm lâm có thể gây ra những đám cháy mang tính chiến thuật, dưới sự giám sát của đội cứu hỏa.
Việc này nhằm tạo ra các vùng trống không có cây bụi dẫn lửa, sẽ đóng vai trò hàng rào phòng cháy, có khả năng chặn đứng đám cháy. Kỹ thuật này thường được sử dụng ở Canada và Mỹ.
[Videographics] Những thảm họa gì đe dọa nhân loại trong tương lai?
Thảm họa cháy rừng ở Mỹ
Cả nước Mỹ đang phải nỗ lực dập tắt 100 đám cháy rừng trên diện rộng. Các đám cháy rừng lan với tốc độ cực nhanh, cực mạnh và cực kỳ nguy hiểm.
Các vụ cháy rừng ở bang California bắt đầu bùng phát kể từ cuối tháng Sáu vừa qua, trong đó, vụ cháy rừng Mendocino Complex (tên gọi chung cho hai đám cháy River và Ranch) đã thiêu trụi khu vực có diện tích 110.850 hécta, gần bằng diện tích thành phố Los Angeles.
Còn đám cháy Carr trở thành đám cháy gây thương vong nhiều thứ 3 trong lịch sử bang này, khi cướp đi sinh mạng của 8 người, thiêu rụi hơn 77.000ha rừng và phá hủy hơn 1.600 công trình kiến trúc và nhà cửa.
Nhiều trường học tại California đã buộc phải đóng cửa và 21.000 người phải đi sơ tán.
Các chiến dịch kiểm soát cháy rừng đang gặp nhiều trở ngại do tiết trời nóng bức và gió mạnh khiến ngọn lửa lan nhanh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đây là "thảm họa nghiêm trọng."
566 vụ cháy rừng hoành hành trong một tỉnh của Canada
Ngày 15/8 vừa qua, tỉnh British Columbia, miền Tây Canada đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp vì cháy rừng lan rộng với hơn 560 vụ cháy lớn nhỏ trên toàn tỉnh, buộc chính quyền địa phương phải đề nghị sự trợ giúp của lực lượng quân đội quốc gia.
Đây là lần thứ 2 trong hơn một thập niên qua, tỉnh này phải ban bố tình trạng khẩn cấp sau lần đầu tiên vào năm 2017, khi lửa thiêu rụi một diện tích lớn rừng trong khu vực, buộc giới chức phải tiến hành sơ tán số lượng người kỷ lục.
Tính tới ngày 14/8, có tới 566 đám cháy rừng hoành hành trên toàn tỉnh British Columbia, khiến giới chức phải ban bố 77 lệnh sơ tán hoặc cảnh báo ảnh hưởng tới 22.000 người và 11.000 công trình hoặc tài sản.
Các thành phố từ Vancouver bên bờ Thái Bình Dương tới Winnipeg trên khu vực Prairies ở phía Đông đều bị bao phủ bởi khói từ những đám cháy.
Gần 3.400 lính cứu hỏa, trong đó có cả lực lượng hỗ trợ từ Australia, Mexico và New Zealand đều đang nỗ lực "chiến đấu với giặc lửa."
Khác với năm trước, năm nay các đám cháy không tập trung tại những địa điểm cụ thể mà lan rộng ra toàn diện tích tỉnh, nên tới ngày 13/8 vừa qua, chính quyền British Columbia đã phải đề nghị sự trợ giúp của chính phủ liên bang, với 200 binh lính cùng trực thăng quân sự được cử tới./.