[Videographics] Tác động chết người của chất độc thần kinh Sarin

[Videographics] Chất độc Sarin và cuộc tấn công hoá học ở Syria

Sarin là một chất lỏng trong suốt, không màu, không vị, có thể dễ dàng pha vào nước, chất này tấn công hệ thần kinh của cơ thể và độc đến mức chỉ cần một giọt cũng đủ giết một người trong vài phút.

Sarin - ban đầu được phát triển như một loại thuốc trừ sâu ở Đức - là một loại chất độc thần kinh chết người được dùng trong chiến tranh hóa học và đã bị cấm sử dụng theo Công ước Vũ khí Hóa học năm 1993.

Sarin tấn công vào hệ thần kinh của cơ thể và độc đến mức chỉ cần một giọt cũng đủ giết một người trong vài phút, trừ khi nạn nhân được chữa trị kịp thời.

Sarin là một chất lỏng trong suốt, không màu, không vị, có thể dễ dàng pha vào nước. Như thế nó có thể được dùng để chế thuốc độc hay gây ô nhiễm thực phẩm.

Nó cũng có thể bay hơi thành dạng khí. Một khi được phóng thích vào không khí, nó sẽ lan rộng và khiến những người hít phải bị trúng độc.

Các triệu chứng phơi nhiễm nhẹ bao gồm đau đầu, thị lực mờ, khó thở, nôn mửa và tiêu chảy.

Tiếp xúc với sarin liều cao có thể dẫn đến mất ý thức, tê liệt, suy hô hấp và cuối cùng là tử vong.

Năm 1988, chính quyền Iraq bị cáo buộc đã dùng khí sarin để tấn công ngôi làng Halabja của người Kurd ở miền Bắc Iraq khiến khoảng 5.000 người chết. 65.000 người khác đã bị thương tật nặng nề, chẳng hạn như mắc phải các bệnh về da và đường hô hấp.

Tại Nhật Bản, 13 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người đã bị thương trong vụ tấn công bằng khí sarin tại ga tàu điện ngầm ở Tokyo hồi năm 1995.

Vào ngày 4/4/2017, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, tại thị trấn Khan Sheikhoun thuộc tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria do quân nổi dậy kiểm soát, các máy bay chiến đấu đã tiến hành không kích làm hàng loạt người thiệt mạng và bị thương.

Các nguồn tin y tế nhận định đây là một vụ tấn công khí độc và nhiều người tử vong do ngạt khói.

[Videographics] Chất độc Sarin và cuộc tấn công hoá học ở Syria ảnh 1Trẻ em được cấp cứu sau vụ tấn công. (Nguồn: AFP)

Reuters đưa tin, một nhóm cứu trợ y tế của Syria cho biết vụ tấn công này đã khiến ít nhất 100 người thiệt mạng và 400 người chịu các vấn đề về hô hấp. Số người chết trong vụ việc này tiếp tục còn gia tăng.

Mỹ ngay sau đó trực tiếp cáo buộc các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học - mà Washington tin rằng có sử dụng chất hóa học sarin - tại tỉnh Idlib, Syria là do Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành.

[Videographics] Chất độc Sarin và cuộc tấn công hoá học ở Syria ảnh 2Một nhân viên dân phòng Syria phải đeo mặt nạ thở ôxy sau khi cứu hộ ở Khan Sheikhoun, Idlib, Syria, ngày 4/4. (Nguồn: Reuters)

Đáp trả, quân đội Syria hoàn toàn phủ nhận có liên quan vụ tấn công bằng khí độc, đồng thời quy trách nhiệm cho các phiến quân.

Ngày 6/4/2017, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ công bố một báo cáo phân tích ban đầu đối với những nạn nhân trong vụ tấn công nghi dùng vũ khí hóa học ở Syria được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ để chữa trị, theo đó những người này bị nhiễm chất độc thần kinh sarin.

Trong tuyên bố của mình, bộ trên xác nhận có 31 người đang được điều trị tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó ba người đã tử vong tại bệnh viện.

[Chuyên gia hóa học tìm thấy chất độc sarin trong vụ tấn công ở Syria]

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã tiến hành thu thập các mẫu phẩm để nghiên cứu tại trụ sở ở La Haye, Hà Lan. Sau đó cho biết xét nghiệm các mẫu phẩm lấy cho thấy kết quả "không thể chối cãi" về việc sử dụng chất độc thần kinh sarin hoặc một chất tương tự.

Tối 6/4/2017 (theo giờ địa phương) quân đội Mỹ đã bắn từ 50-70 quả tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào một căn cứ không quân của Syria để đáp trả vụ tấn công hóa học khiến hàng chục dân thường thiệt mạng tại quốc gia Trung Đông này, theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đây là vụ tấn công trực tiếp của Mỹ nhằm vào các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al- Assad kể từ khi cuộc nội chiến bùng phát 6 năm trước.

[Videographics] Chất độc Sarin và cuộc tấn công hoá học ở Syria ảnh 3Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Porter (DDG 78) bắn tên lửa từ Địa Trung Hải ngày 7/4. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Syria, Nga và Iran đã lên tiếng phản đối, coi đây là hành động thể hiện sự không sẵn sàng hợp tác của Mỹ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.

Ngày 12/4/2017, trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên sau khi Mỹ phóng tên lửa hành trình vào một căn cứ không quân của quốc gia Trung Đông này, Tổng thống Syria Bashar al-Assad khẳng định cáo buộc vụ tấn công bị nghi sử dụng vũ khí hóa học ở một thị trấn của Syria do phiến quân kiểm soát là "sự bịa đặt" để biện minh cho cuộc không kích của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân của Syria.

Một năm sau, ngày 7/4/2018, Reuters đưa tin nhóm nổi dậy Jaish al-Islam lại cáo buộc quân đội chính phủ Syria thả một quả bom thùng chứa chất độc hóa học nhằm vào dân thường tại Đông Ghouta, khiến hơn 500 người bị thương.

[Videographics] Chất độc Sarin và cuộc tấn công hoá học ở Syria ảnh 4Người dân Syria được điều trị trong bệnh viện ở thị trấn Maaret al-Noman, tỉnh Idlib, sau khi bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công bị tình nghi sử dụng vũ khí hóa học ngày 4/4. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Truyền thông nhà nước Syria một lần nữa lên tiếng phủ nhận việc tiến hành các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, đồng thời mời OPCW tới thị sát thị trấn Douma, khu vực Đông Ghouta của nước này - nơi xảy ra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học khiến nhiều người thiệt mạng.

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) ngày 13/6 tuyên bố, các mẫu phân tích đã xác định được rằng chất độc thần kinh bị cấm Sarin và Clo đã được sử dụng trong một vụ tấn công tại miền Bắc Syria hồi tháng Tư năm ngoái.

Tuy nhiên, Nga cáo buộc rằng OPCW đã không điều tra một cách khách quan những vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí khóa học và cho rằng tổ chức này bị chi phối về chính trị.

Moskva cho rằng Mỹ và các đồng minh đã dựa vào bằng chứng bịa đặt để cáo buộc Chính phủ Syria tiến hành những vụ tấn công hóa học nhằm vào dân thường.

Xem thêm: Tìm hiểu về quá trình tiêu hủy vũ khí hóa học
(Vietnam+)