Xã Trù Sơn, huyện Đô Lương là nơi duy nhất ở tỉnh Nghệ An chuyên làm ra các loại nồi bằng đất trong hàng trăm năm qua.
Nghề làm nồi đất ở đây đã có từ rất lâu đời, là nghề truyền thống của ông cha để lại.
Hầu như mỗi người dân Trù Sơn khi sinh ra đều biết làm nồi đất. Đi một vòng quanh làng, đâu cũng thấy một màu gốm đỏ au với những chiếc nồi đất đầy đủ kích cỡ.
Thời kỳ hưng thịnh, nồi đất Trù Sơn không những được người tiêu dùng trong nước biết đến mà còn xuất sang cả Trung Quốc.
Làng Trù Sơn từ xa xưa vẫn được đánh giá là nơi lưu giữ nét cơ bản nhất của gốm cổ.
Những chiếc nồi đất của làng Trù Sơn tuy rất nhẹ và mỏng nhưng lại có độ cứng và bền cao.
Để tạo ra được những sản phẩm tốt như vậy, người dân làng thường phải đi tới các huyện xa như Nghi Lộc, Yên Thành...
Vì chỉ ở những nơi này mới có loại đất sét đỏ, rất dẻo, thích hợp cho việc làm gốm.
Sau khi đào hết lớp đất cát cứng dày khoảng 70cm phía trên, người thợ sẽ khai thác được phần đất sét mềm bên dưới.
Chính phần đất sét đỏ này đã tạo nên màu đỏ đặc trưng cho những chiếc nồi đất Trù Sơn.
Sau khi tìm được loại đất ưng ý, người ta sẽ nhào đất thật nhuyễn. Rồi sau đó đất sẽ được cho lên bàn xoay để tạo hình thô.
Dưới bàn tay khéo léo của người thợ, chiếc nồi thô sơ sẽ được gọt lại cho thật trơn bóng.
Sau đó, chúng sẽ được đem đi phơi nắng cho thật khô. Để tránh bị nổ khi cho vào lò nung ở nhiệt độ cao.
Gốm Trù Sơn nhìn bề ngoài rất đơn sơ, giản dị, không màu mè nhưng nó lại có nét độc đáo riêng mà không nơi nào có được.
Nồi đất Trù Sơn khi dùng nấu thức ăn hoặc đun thuốc, thì hương vị vốn có của món ăn đều được giữ nguyên. Thậm chí, nhiều nơi còn dùng nồi Trù Sơn để nấu vàng.
Dù không còn hưng thịnh như xưa nhưng nghề làm nồi đất ở xã Trù Sơn đến nay vẫn không hề bị mai một.
Những chiếc nồi đất đã trở thành hình ảnh dân dã, mang đậm dấu ấn hồn quê của người Việt.
Dù thăng trầm hay hưng thịnh, màu đất mộc mạc này như làm chậm lại sự ồn ã của cuộc sống hiện đại.
Và cũng chính màu quê chân chất ấy đã níu chân những người thợ mãi say nghề say đất quê hương./.