Theo quyết định mới đây của Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ số 35/KH – UBND về việc tháo dỡ các công trình vi phạm, di dời toàn bộ phương tiện thủy kinh doanh sai phép trên Hồ Tây. Các công trình vi phạm, xây dựng trái phép từ số 2 – 10 Nguyễn Đình Thi phải tháo dỡ xong trong tháng 2 này. Còn các du thuyền, nhà nổi phải được di dời về khu tập kết tại Đầm Bẩy xong trước ngày 10/3.
Phóng viên VietnamPlus đã có buổi tiếp xúc với một số chủ nhà nổi Hồ Tây. Dù cơ bản đồng tình với chủ trương làm đẹp hồ Tây của thành phố, tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp cũng bày tỏ nhiều bức xúc, cũng như lo âu trước nguy cơ trắng tay.
Ông Phương Năng Thắng (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du thuyền Hồ Tây), Sàn nổi Eureka cho hay: "Sau khi đơn vị nhận thông báo, quyết định về việc tháo dỡ, các doanh nghiệp Hồ Tây hoàn toàn đồng thuận việc di dời về bến mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mong chính quyền nên cùng ngồi với doanh nghiệp để tháo gỡ."
"Chúng tôi sẵn sàng chấp hành chủ trương của Hà Nội, năm ngoái là tưởng di dời nhưng giờ không có bến mới, chính quyền lại ra quyết định xóa bỏ nhà nổi, du thuyền. Chúng tôi kiến nghị xem xét tài sản trên Hồ Tây của doanh nghiệp là bao nhiêu để hỗ trợ đền bù cho tương xứng. Bởi theo thông báo của thành phố, cũng yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo tài chính, mức thiệt hại", ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Ngọc Vượng, Giám đốc Công ty Potomac, cho biết công ty được thành phố cho phép hoạt động 30 năm nên đã đầu tư số tiền lớn vào đóng du thuyền với đầy đủ đăng ký, đăng kiểm; hiện công ty tạo việc làm cho hơn 50 lao động, hàng năm đóng đầy đủ các loại thuế, phí. Vì vậy nếu thành phố không cho hoạt động thì nên có chính sách hợp lý đền bù thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Được biết, vào 8 giờ sáng ngày 23/2, các đơn vị chức năng của quận Tây Hồ sẽ ra quân đợt đầu tiên cưỡng chế giải tỏa các cầu dẫn vi phạm trên Hồ Tây. Sau đó, tiếp tục thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra.
VietnamPlus sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến mới nhất của vụ việc./.