Thuyền độc mộc là một loại thuyền truyền thống có lịch sử lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.
Bắt nguồn từ nhu cầu di chuyển trên mặt nước, người dân nơi đây thủa xưa đã chế tác ra loại phương tiện giao thông đường thủy đặc biệt này từ thân những cây gỗ sao có tuổi thọ hàng trăm năm.
Muốn đẽo được một chiếc thuyền độc mộc phải cần từ 5 đến 7 người thợ có sức vóc và kinh nghiệm.
Công đoạn đầu tiên là vào sâu trong rừng để tìm thân cây gỗ phù hợp. Đó là những cây có chiều dài cả chục mét, thân cây rộng vài người ôm.
Cây gỗ sau khi được đốn về phải ngâm dưới nước cho đến khi chất lượng gỗ đạt chuẩn. Gỗ không bị bọng, mềm, dễ đẽo khi tươi, còn khi khô thì phải nhẹ. Ngâm nước xong gỗ tiếp tục được đem phơi, chọn ra những cây không bị cong vênh để đem vào chế tác.
Trong các công đoạn chế tác thuyền, phần đáy thuyền đặc biệt được chú trọng bởi nó quyết định sự an toàn của sản phẩm khi vận hành trên mặt nước. Đáy thuyền thường được đẽo bằng, láng mặt với độ dày hợp lý để tạo sự cân đối cho thuyền khi di chuyển, giúp người chèo thuyền thuận lợi khi sử dụng.
Qua thời gian, số lượng thuyền độc mộc ở các buôn làng Tây Nguyên giảm dần, phần do hư hỏng trong quá trình sử dụng, phần do sự xuất hiện của những cây cầu và những con đường được trải nhựa khang trang giúp người dân dễ dàng hơn trong việc đi lại. Vì thế, thuyền độc mộc như đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử trăm năm của mình để vắng bóng dần trên những bờ sông, dòng suối.
Dù không còn là phương tiện di chuyển trên sông nước, thuyền độc mộc của dân tộc bản địa vẫn là một nét văn hóa đặc sắc, mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên./.