[Video] Tái hiện những ngày oanh liệt qua 3 Bảo vật Quốc gia

Máy bay Mig-21, số hiệu 4324, bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh và xe tăng 843 là 3 bảo vật Quốc gia hiện được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Quân đội Việt Nam.
Tiêm kích MIG 21 số hiệu 4324 trở thành nỗi khiếp sợ trên bầu trời với 14 lần bắn rơi máy bay Mỹ (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam là nơi vinh dự lưu giữ 3 bảo vật Quốc gia vô cùng quý giá bao gồm: Máy bay Mig-21, số hiệu 4324, bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh và xe tăng 843.

Máy bay Mig-21 số hiệu 4324 là loại máy bay chiến đấu phản lực tiêm kích, một người lái, lắp động cơ phản lực P11, do Liên Xô (cũ) sản xuất, viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Ngày 9/1/1967, chiếc máy bay này được trang bị cho Trung đoàn không quân 921 (Sư đoàn không quân 371, Quân chủng Phòng không-Không quân).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Máy bay Mig-21, số hiệu 4324 đã xuất kích 69 lần, gặp địch 22 lần, xạ kích 16 lần.

Trên thân chiếc máy bay Mig-21 số hiệu 4324 có in đậm 14 ngôi sao đỏ với ý nghĩa thể hiện chiến công 14 lần bắn rơi 14 máy bay Mỹ các loại, trong đó có các loại sừng sỏ như “Thần sấm” (F105), “Con ma” (F-4)…

Máy bay Mig-21, số hiệu 4324 được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 53/QĐ-TTg (ngày 14/1/2015) của Thủ tướng Chính phủ.

Được công nhận cùng ngày với máy bay Mig-21 là tấm bản đồ quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh

Bút tích của Tư lệnh chiến dịch - Đại tướng Văn Tiến Dũng và Chính ủy Phạm Hùng trên tấm bản đồ Quyết tâm. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Tấm bản đồ này được Đại tướng Văn Tiến Dũng lưu giữ trong thời gian từ 1975-1990, sau đó trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhân kỷ niệm 15 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đây là tấm bản đồ được làm tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đóng tại Tà Thiết (Lộc Ninh, Tây Ninh - nay thuộc tỉnh Bình Phước).

Tấm bản đồ dài 185,5 cm, rộng 170 cm, can 12 mảnh. Trên bản đồ có chữ “Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh,” dưới có chữ ký của Tư lệnh chiến dịch là Đại tướng Văn Tiến Dũng và Chính ủy Phạm Hùng.

Tấm bản đồ thể hiện toàn bộ kế hoạch tác chiến của chiến dịch ở 3 vấn đề: Lực lượng, hướng đánh, mục tiêu. Những mũi tên màu đỏ thể hiện 5 hướng tiến công của các quân, binh chủng, đơn vị vào Sài Gòn

Bảo vật cuối cùng được lưu giữ tại bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam là chiếc xe tăng T54B số hiệu 843.

Xe tăng 843-biểu tượng cho tinh thần Thần tốc và quyết thắng, dẫn đầu đội hình tiến thẳng đến dinh Độc Lập. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Xe do Liên Xô chế tạo, viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Xe được biên chế về Đại đội tăng 4 (Tiểu đoàn tăng 1, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 203, Quân đoàn 2) từ tháng 5/1974.

Xe tăng 843 đã tham gia giải phóng Huế-Đà Nẵng, sau đó tiếp tục hành quân tham gia giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung và thẳng tiến về Sài Gòn với tinh thần “Thần tốc và Quyết thắng.”

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ở mặt trận phía Đông, xe tăng 843 nằm trong đội hình lực lượng đánh thọc sâu với nhiệm vụ đánh chiếm phủ Tổng thống và các mục tiêu quan trọng của địch.

9 giờ sáng 30/4/1975, lực lượng thọc sâu tiến đến cầu Sài Gòn thì gặp phải sự phản kháng dữ dội của địch. Tại cầu Thị Nghè, các chiến sỹ trên xe đã bắn cháy hai xe M41 và một xe M113 của địch; sau đó mở hết tốc lực truy kích địch tháo chạy ở ngã tư Hàng Xanh, dẫn đầu đội hình tiến thẳng đến Dinh Độc Lập.

Năm 1979, xe tăng số hiệu 843 được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg (ngày 1/10/2012), công nhận xe tăng T54B mang số hiệu 843 là Bảo vật Quốc gia.

3 bảo vật Quốc gia hiện được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quân đội (Thực hiện: Võ Phương-Sơn Bách)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục