[Video] Ra mắt cuốn sách: Ảnh-thơ song ngữ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Với mong muốn truyền cảm hứng về tình yêu lịch sử cho thế hệ trẻ, tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ra mắt cuốn sách “Triển lãm theo dấu chân Đại tướng".

Ngày 21/12/2021, lần đầu tiên, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cuộc triển lãm thơ-ảnh “Theo dấu chân Đại tướng” đã diễn ra nhằm tái hiện chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và cuộc sống đời thường của vị Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Sau đó, những vần thơ ấy đã tiếp tục ghi dấu tại tỉnh Điện Biên, tỉnh Quảng Ninh khiến nhiều người xúc động trước sự công phu và tâm huyết của bảo tàng cũng như tác giả.

[Triển lãm chuyên đề ‘Theo dấu chân Đại tướng” tại Điện Biên]

Để tiếp nối tình cảm đó, nhân kỷ niệm 111 năm ngày sinh của vị anh hùng dân tộc, tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung kết hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Nhà xuất bản Thông tấn xã Việt Nam ra mắt cuốn sách “Triển lãm theo dấu chân Đại tướng.”

Với cơ duyên nhiều lần gặp gỡ trực tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả đã nghiên cứu thêm nhiều tài liệu, sách báo để hiểu rõ hơn về sự nghiệp và cuộc đời của Tổng tư lệnh. Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung còn trực tiếp thăm lại chiến trường Điện Biên, đi đến từng địa danh lịch sử, hình dung từng trận chiến trong quá khứ, xót xa trước hình ảnh nghĩa trang liệt sĩ rộng lớn với hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống… để gửi gắm trọn vẹn vào 110 bài thơ, diễn ca được dịch song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Cuốn sách “Triển lãm Theo dấu chân Đại tướng” được chia thành 3 chủ đề.

Chủ đề 1 mang tên “Làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thông qua những bài thơ, những lời diễn ca mộc mạc giản dị của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung, từng đối sách chiến đấu, từng trận chiến cam go gắn với những địa danh huyền thoại như đồi A1, cánh đồng Mường Thanh hay hầm Đờ Cát hiện lên một cách sinh động và oai hùng.

Chủ đề 2 giới thiệu những khoảnh khắc đời thường dung giữa đời thường của Đại tướng, đúng như cái tên “Vị tướng trong lòng dân” mà tác giả lựa chọn. Qua đây, bạn đọc sẽ được hiểu hơn về một nhà quân sự lỗi lạc nhưng mang đậm cốt cách anh lính cụ Hồ: Giản dị, an nhiên, ấm áp bên gia đình, người thân đồng thời cũng lãng mạn, bay bổng như một người nghệ sĩ. Những vần thơ tri ân trở nên đắt giá hơn khi được minh hoạ bằng nhiều bức ảnh tư liệu quý, được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và tác giả dày công sưu tầm.

Chủ đề 3, cũng là chủ đề cuối với tên “Sáng mãi ngàn năm” khẳng định tình yêu, niềm kính phục của nhân dân Việt Nam dành cho Đại tướng, được thể hiện một cách xúc động qua những vần thơ tiễn đưa Đại tướng trong ngày Quốc tang đưa ông về với đất mẹ Quảng Bình.

Từ sự công phu của triển lãm cho đến sự chỉn chu của cuốn sách này, người đọc có thể cảm nhận một cách rõ nét về sự ngưỡng mộ cũng như tôn kính của một người phụ nữ đã ngoài 80 tuổi, dành trọn vẹn tâm tư, nhiệt huyết trong sự nghiệp cầm bút của mình cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp./.

(Vietnam+)