Đài BBC của Anh ngày 15/12 đưa tin phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của đài này đã trở lại Biển Đông, sau khi từng thị sát khu vực này hồi năm ngoái trên một tàu cá và trở thành phóng viên đầu tiên tận mắt chứng kiến việc Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo mới trên các rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Khi trở lại trên một máy bay cỡ nhỏ, ông Wingfield-Hayes đã vấp phải phản ứng giận giữ và cả đe dọa từ Hải quân Trung Quốc.
Theo BBC, Trung Quốc đã cố đuổi máy bay của hãng này khi quan sát các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang ra sức bồi đắp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình từng nhiều lần khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động nêu trên vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như vi phạm tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 ký giữa ASEAN và Trung Quốc."
"Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.”