Nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước Arab vẫn chưa đem lại hiệu quả khi ngày 25/7, Saudi Arabia và các nước đồng minh đã liệt nhiều tổ chức và cá nhân liên quan Qatar vào danh sách khủng bố.
Trong một tuyên bố chung, các nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập nêu rõ, 9 tổ chức từ thiện và 9 cá nhân "có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới các nhà chức trách Qatar" bị coi là "khủng bố."
Trong số 9 cá nhân bị cáo buộc dính líu tới các hoạt động gây quỹ tài trợ cho nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra có quan hệ với tổ chức Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác tại Syria, có 3 người Qatar.
[Nga tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải khủng hoảng Qatar]
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhỉ Kỳ Tayyip Erdogan đã rời Qatar, kết thúc chuyến thăm vùng Vịnh trong nỗ lực hòa giải căng thẳng, song không đạt đột phá. Ông Erdogan nhấn mạnh cần có thêm thời gian để chấm dứt những tranh cãi hiện nay.
Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani cho biết trong cuộc đàm phán với ông Erdogan, hai bên đã cùng xem xét lại các diễn biến khu vực, cũng như các nỗ lực nhằm kiềm chế căng thẳng và giải quyết thông qua đối thoại.
Trước Qatar, ông Erdogan đã tới Saudi Arabia và Kuwait-quốc gia đang đóng vai trò trung gian hòa giải cho căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 24/7 tuyên bố Moskva sẵn sàng nỗ lực làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng nếu nhận được yêu cầu.
Theo ông Lavrov, hiện Moskva đang tiếp xúc với tất cả các bên trong cuộc xung đột này và mong giải quyết khủng hoảng trên cơ sở tính đến những lo ngại của các bên, tìm được những giải pháp mà các bên cùng chấp nhận được.
Moskva hoan nghênh nỗ lực của tất cả các nước trên thế giới kể cả Mỹ, Pháp và Anh nhằm bình thường hóa quan hệ tại Vịnh Persian, ngăn chặn nguy cơ khu vực rơi vào khủng hoảng triền miên./.