Nhắc tới Ninh Thuận, người thì nhớ về những bãi biển nên thơ, người thì mơ về những vườn nho sai trĩu quả, còn với tôi, ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với mảnh đất này là những công trình tháp Chàm tuyệt đẹp.
Tháp Chàm hay còn gọi là tháp Chăm, là một dạng công trình thuộc thể loại kiến trúc đền tháp Champa, thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Chăm.
Các tháp Chàm là một khối kiến trúc xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa.
Mặt bằng tháp đa số là hình vuông có không gian bên trong chật hẹp thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông (hướng Mặt Trời mọc). Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá.
Nghệ thuật chạm khắc, đẽo gọt công phu hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh thể hiện trên mặt tường ngoài của tháp. Các viên gạch liên kết với nhau rất rắn chắc, bền vững tới hàng chục thế kỷ.
Tại miền Trung nước ta hiện nay, còn lưu giữ được nhiều công trình tháp Chàm trong đó phải kể tới tháp Bà ở Nha Trang hay khu di tích thánh địa Mỹ Sơn tại tỉnh Quảng Nam.
So với các khu vực tháp nói trên, tháp Chàm tại Ninh Thuận được xây dựng muộn hơn cả và đặc biệt, các tháp này được xây dựng để thờ những vị vua mà người Chăm hóa thánh, thay vì thờ thần linh.
Ngày nay, vào những dịp lễ tết, người Chăm vẫn sử dụng các tháp Chàm làm địa điểm thờ cùng để cầu khấn an lành, đồng thời lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể lại cho các thế hệ sau./.