Làng mộc Kim Bồng tọa lạc trên gò đất lớn giữa dòng sông Thu Bồn đổ vào từ Cửa Đại, thuộc xã Cẩm Kim (Hội An). Nơi đây nổi tiếng với nghề mộc thủ công truyền thống, nơi ngày nay có những nghệ nhân vẫn miệt mài thổi hồn vào gỗ...
Không chỉ có sự cần cù, tỉ mỉ của một người thợ, những nghệ nhân Kim Bồng còn giống như nghệ sỹ có óc thẩm mỹ, để rồi thổi hồn vào gỗ, tạo nên những hoa văn tinh xảo, những tác phẩm điêu khắc độc đáo, mang tính nghệ thuật cao.
Nói đến mộc Kim Bồng không thể không nhắc đến gia đình nghệ nhân Huỳnh Ri, người giữ hồn cho làng nghề và giờ đây kế tục ông là người con Huỳnh Sướng.
Ngày nay, làng Kim Bồng có khoảng 200 thợ làm việc tại 20 cơ sở. Sau hơn 20 năm đào tạo nghề, đã có khoảng 100 thợ mộc “ra lò” từ xưởng nhà cha con nghệ nhân Huỳnh Ri, Huỳnh Sướng. Mức thu nhập trung bình của mỗi thợ từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Là thế hệ hậu sinh nhưng khác với các thế hệ trước, nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng lại sớm nhận ra việc cần “phá bỏ” tư tưởng cũ của cha, rằng nghề mộc phải cha truyền con nối. Cũng may, anh có người cha thấu hiểu và nhờ đó mà lớp thợ mộc kế cận ra đời.
Theo anh Huỳnh Sướng, phát triển được thế hệ trẻ mới giữ và phát triển được nghề mộc Kim Bồng nức tiếng cả nước như bây giờ. Ở xưởng nhà anh, có những em 16-17 tuổi đã bắt đầu theo nghề, thậm chí có những người 40 tuổi mới bắt đầu làm quen với đục, đẽo…
Ngày nay, ở làng Kim Bồng, người chồng sẽ làm mộc còn người vợ giới thiệu và bán sản phẩm. Nhiều hộ kinh doanh mộc mỹ nghệ cho biết, du khách châu Á thường có thói quen mua đồ lưu niệm như bát, đũa, tượng gỗ…
Trong khi đó, khách châu Âu, châu Mỹ lại có xu hướng mua đồ gia dụng, trang trí nội thất. Nắm bắt được thị hiếu này, người thợ Kim Bồng luôn làm sẵn hàng để bán ra khi khách có nhu cầu./.