Tôi gặp bà Bùi Bạch Liên trong một ngày đầy nắng, giữa lúc bà đang chuẩn bị tổ chức một buổi giao lưu văn nghệ vào mỗi chiều tại Câu lạc bộ cũng là nhà riêng của bà trên phố Phan Văn Trường (Hà Nội).
Nhìn dáng người phụ nữ thấp bé, khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt biết cười không chính ngờ bà lại là một nữ nghệ sĩ đàn guitar Hawaii, học trò cuối cùng của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, người nhạc sĩ nổi tiếng với những sáng tác dành cho cây đàn guitar Hawaii (hay còn gọi là Hạ Uy cầm) một thời.
Là một nhà giáo, một nữ nghệ sỹ nặng lòng với cây đàn Hawaii, bà đã đem tình yêu, đam mê của mình chia sẻ rộng rãi với những người trẻ và bạn bè quốc tế, những tâm hồn đồng điệu, ước ao đắm mình vào giai điệu vượt thời gian.
Có lẽ đến bây giờ, tiếng đàn guitar Hawaii là một cái gì đó còn lạ lẫm với nhiều người, bởi đã lâu lắm nó hầu như không xuất hiện trong các dàn nhạc. Thế nhưng, với nhiều thế hệ yêu nhạc đầu thế kỷ 20, tiếng đàn ấy quá đỗi thân thuộc. Đó cũng là lý do, bà Bùi Bạch Liên luôn trăn trở, tìm cách khơi niềm đam mê với tiếng đàn thép này.
Bà chơi liền một loạt các bài như “Con kênh xanh xanh” hay “Một cõi đi về”, tiếng đàn của người phụ nữ tuổi đã ngoài 70 vẫn réo rắt, vang vọng khiến người nghe như cứ muốn ngồi mãi.
Bà Liên bảo, đam mê không mua được bằng tiền. Niềm hạnh phúc với bà bây giờ là tổ chức được một câu lạc bộ thu hút được nhiều người tham gia sinh hoạt, biểu diễn. Bà còn khoe, một số Việt kiều mê tiếng đàn, khi về thăm quê cũng đến câu lạc bộ tham gia. Có thể kể ra đây những tên tuổi như nghệ sĩ Phạm Mạnh Đạt (Mỹ), Phi Long (Pháp).
“Mong ước lớn nhất của tôi là một ngày nào đó đàn Hawaii được nhiều người biết tới, sẽ trở thành một đặc sản của Thủ đô, để chúng ta có thể tự tin giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới”, bà Liên tâm sự.
Cùng nghe nữ nghệ sỹ đàn guitar Hawaii, Bùi Bạch Liên chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ của mình nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.