Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội vừa long trọng tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu và nghi thức “Bông hồng cài áo” với sự tham gia của hàng nghìn tăng, ni, Phật tử, học viên tại học viện.
Không chỉ là một nghi lễ Phật giáo, Vu Lan ngày nay đã có sức lan tỏa mang tính xã hội. Ở đó tinh thần báo ân-báo hiếu của Đạo Phật được kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống văn hóa “uống nước nhớ nguồn,” trở thành nơi kết tinh truyền thống hiếu đạo của dân tộc Việt Nam.
[Đa dạng hàng hóa, dịch vụ phục vụ thị trường Rằm tháng Bảy Âm lịch]
Đại lễ Vu Lan mang ý nghĩa tưởng nhớ các bậc tiền nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sỹ đã vị quốc vong thân, giữ gìn nền độc lập tự do của Tổ quốc; tưởng nhớ tổ tiên, cha mẹ, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, phải làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn…
Tại chương trình, Hoà thượng Thích Thanh Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cũng thuyết giảng về ý nghĩa của lễ Vu Lan báo hiếu.
Các Tăng, Ni, Phật tử cũng đã thực hiện nghi lễ "Bông hồng cài áo." Hình ảnh hoa hồng không chỉ là biểu tượng cho tình yêu đôi lứa, mà nó còn biểu tượng cho tình yêu cao quý của những người con đối với cha mẹ. Những bông hoa vàng tượng trưng cho sự thoát tục, bình an.
Nhân mùa Vu lan báo hiếu và kỷ niệm 715 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, tại chùa Yên Tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng tổ chức Lễ Chú nguyện Khai tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tái khởi công chế tác tượng Phật Thích Ca Mâu Ni.
Dự kiến sau khi hoàn thành, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng Ngọc Jadeite sẽ nặng tới 16 tấn, cao 3m, chiều ngang là 2m và chiều dài 1m. Bệ đế nặng tới 9 tấn, cao 60 cm, mỗi chiều là 2,1m. Đây cũng sẽ là pho tượng Phật Ngọc Jadeite lớn nhất thế giới./.