[Video] Lễ cầu nguyện cho dòng sông Mekong bình an, khỏe mạnh

Mới đây, cộng đồng lưu vực sông Mekong đã có mặt tại buổi lễ cầu nguyện cho dòng sông Mekong vẹn nguyên, khỏe mạnh và bền vững tại ngôi làng Hua Vieng, huyện Chiang Khong, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan.
Video Lễ cầu nguyện cho dòng sông Mekong

Sông Mekong, một trong những dòng sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng chảy qua lãnh thổ 6 quốc gia là Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam. Với chiều dài uốn lượn trên 4.800 km, dòng sông này được xem là “con rắn huyền thoại” của các quốc gia Đông Nam Á.

Vậy nhưng, hiện nay, sông Mekong đang phải “cõng” hàng loạt công trình thủy điện của các quốc gia thượng nguồn. Cuộc tranh đua năng lượng này đã khiến dòng sông Mẹ bị “chặt” thành nhiều khúc, và dần mất khả năng “xả” nước về các nước hạ du, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Việt Nam và Camphuchia.

Không ai hết, những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hoạt động phát triển thủy điện trên dòng sông này chính là người dân sinh sống ven sông, nơi mà cuộc sống và sinh kế của họ phụ thuộc trực tiếp vào nguồn nước, nguồn cá và nguồn phù sa dồi dào mà dòng sông mang lại.

[Cảnh báo mất an ninh nguồn nước từ các dự án “chặt khúc” sông Mekong]

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiếng nói của chính những người dân sinh sống ven dòng sông Mekong này vẫn chưa được lắng nghe trong quá trình tham vấn, ra quyết định đối với các dự án phát triển trên dòng chính sông Mekong.

Khi những quan ngại của người dân không được lắng nghe, việc cầu nguyện có lẽ sẽ mang lại cho người dân niềm hy vọng, giúp họ truyền tải ý kiến, thông điệp về bảo vệ nguồn cá, bảo vệ dòng sông Mẹ - cách người dân gọi dòng sông Mekong này.

Mới đây, cộng đồng lưu vực sông Mekong đã có mặt tại buổi lễ cầu nguyện cho dòng sông Mekong vẹn nguyên, khỏe mạnh và bền vững tại ngôi làng Hua Vieng, huyện Chiang Khong, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Đây cũng là dịp để người dân ven sông Mekong thể hiện lòng biết ơn đối với dòng sông Mẹ có sự đa dạng sinh học độc nhất vô nhị và là nguồn sống của hàng triệu người dân khắp lưu vực./.

[Bài 2: Thủy điện trên dòng chính Mekong ảnh hưởng gì đến vùng hạ lưu?]

(Vietnam+)