[Video] Làng nghề sản xuất giấy ở Bắc Ninh chìm trong ô nhiễm

Phường Phong Khê từ lâu đã nổi tiếng "giàu có" nhờ nghề sản xuất và tái chế giấy, song cũng chính từ giấy, mà người dân nơi đây đang phải sống chung với bầu không khí ô nhiễm nặng nề.
[Video] Làng nghề sản xuất giấy ở Bắc Ninh chìm trong ô nhiễm ảnh 1Đốt rác thải công nghiệp chưa qua xử lý, làng nghề Phong Khê đang 'bức tử' môi trường. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, từ lâu đã nổi tiếng với nghề sản xuất và tái chế giấy lớn nhất ở miền Bắc. Trong những năm qua, các sản phẩm từ giấy đã mang lại nguồn thu lớn cho địa phương, song cũng chính từ giấy, người dân làng nghề đang phải “sống mòn” trong bầu không khí ô nhiễm nặng nề.

Sau nhiều giờ “mục sở thị” làng nghề, hỏi thăm về quy trình sản xuất giấy bị các xí nghiệp sản xuất giấy từ chối, chúng tôi đã tiếp cận được ông Hoàng Văn Được, một công nhân làm giấy lâu năm tại xã Phong Khê. Vào thời điểm gặp gỡ, ông Được vẫn đang đảm nhận việc đốt lò hơi và vận hành máy tái chế giấy.

Khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi vì hơi nóng lò đốt, ông Được cho biết, hiện nay làng nghề đang duy trì 2 loại nhiên liệu đốt lò đó là gỗ củi và than đá. Việc đốt gỗ củi và than đá sẽ bớt ô nhiễm môi trường hơn, song trong quá trình đốt lò, một số xưởng vẫn phải sử dụng nilon, vải vụn để nhóm lửa nhất là với gỗ. Cũng có hộ trực tiếp dùng rác thải để đốt.

“Các chú dạo quanh làng nghề rồi thì biết, mùi khí thải ra rất khó chịu, mới đầu gặp sẽ rất khó thở. Nhưng với người dân làm ở đây, như tôi làm nghề lâu năm thì cũng phải quen và chấp nhận mà kiếm ăn thôi…,” ông Được nói.

Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus vào những ngày đầu tháng Bảy cũng cho thấy, phần lớn các xưởng sản xuất giấy tại làng nghề Phong Khê thường sử dụng than đá, củi và rác thải để đốt lò, “nhả” khói vào các thời điểm trong ngày, nhất là buổi sáng và chiều.

Có thời điểm, hàng chục ống khói cùng nhau nhả ra môi trường lượng khói khổng lồ khiến vùng trời Phong Khê “chìm” trong bầu khói đen u ám. Điều đáng nói là, không chỉ nhả khói giữa ban ngày, mà có một số xưởng sản xuất giấy còn lén lút đốt rác thải độc hại như bao nilon, vải vụn, nhựa vào ban đêm. Việc đốt rác thải nguy hại này đã tạo mùi khét lẹt như đốt lốp cao su, không khí ngột ngạt rất khó thở.

Cùng với khí thải, nước thải tại làng nghề sản xuất giấy Phong Khê cũng đang ngày ngày “bức tử” môi trường, khiến các con mương dẫn nước thải đổ ra sông nhuốm màu đỏ ngầu, bọt trắng xóa, bốc mùi hôi thối.

[Bắc Ninh: Gian nan xử phạt cơ sở sản xuất giấy "bức tử" môi trường]

Trước thắc mắc của phóng viên về việc xử phạt cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn phường Phong Khê, ông Lưu Xuân Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết: Để ngăn ngừa các hành vi gây ô nhiễm, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Theo đó, trong năn 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã đình chỉ 5 cơ sở sản xuất có sử dụng vải vụn để làm nhiên liệu đốt lò hơi, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tổ kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng đã lập tổ chốt chặn 24/24 giờ, để ngăn các phương tiện chở vải vụn vào làng nghề, ngừng cung cấp điện đối với các cơ sở sản xuất vi phạm.

“Tuy nhiên, việc sử dụng vải vụn có thể giúp các cơ sở xuất tiết kiệm được khoảng vài chục triệu mỗi ngày, nên sau một thời gian tạm ngừng, các cơ sở đã chuyển việc đốt rác và vận chuyển rác vào ban đêm, các ngày nghỉ. Một số trường hợp mặc dù đã bị xử phạt nhiều lần và thực hiện cam kết vẫn cố tình lưu giữ và đốt rác với hành vi phức tạp, tinh vi hơn,” ông Hùng nói.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Bắc Ninh cũng lưu ý, mặc dù Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định mức xử phạt rất cao, có thể xử phạt lên tới 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình xử phạt các cơ sở vi phạm tại làng nghề Phong Khê vẫn còn tồn tại một số khó khăn.

“Ví dụ, để tiến hành đình chỉ một cơ sở sản xuất thì các cơ quan chức năng phải chứng minh được cơ sở vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, với một làng nghề có hơn 200 cơ sở tham gia sản xuất, thì việc quy trách nhiệm cho một cơ sở gây ô nhiễm là rất khó,” ông Hùng nói./.

Ô nhiễm 'bủa vây' làng nghề sản xuất giấy Phong Khê
(Vietnam+)