[Video] Lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc hoạt động như thế nào?

Với tầm bắn 200km và có thể vươn tới độ cao 150km, THAAD có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung cả bên trong và bên ngoài tầng khí quyển.

THAAD là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất của Mỹ để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD gồm 6 bệ phóng tên lửa di động, 48 tên lửa đánh chặn, một radar và một đơn vị có nhiệm vụ phóng và điều khiển tên lửa.

Hai bệ phóng tên lửa đánh chặn và cụm radar của hệ thống này hiện đang hoạt động tại một sân golf cũ của thị trấn Seongju, cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc khoảng 250km về phía Đông Nam.

Từ tháng 7/2016, Mỹ và Hàn Quốc đã đạt thỏa thuận về việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc nhằm ứng phó các mối đe dọa tiềm tàng từ Triều Tiên.

Ngày 22/10/2017, các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) thông báo chính thức thành lập đơn vị có nhiệm vụ vận hành Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

THAAD gồm 6 bệ phóng tên lửa di động, 48 tên lửa đánh chặn, một radar và một đơn vị có nhiệm vụ phóng và điều khiển tên lửa. (Nguồn:Yonhap/TTXVN)

USFK và quân đội Hàn Quốc cũng cho hay sẽ thiết lập một lực lượng an ninh chung để bảo vệ nơi THAAD được triển khai.

Ban đầu, hai bệ phóng tên lửa đánh chặn thuộc khẩu đội THAAD được triển khai tại Hàn Quốc vào tháng 4/2017 trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên, 4 bệ phóng còn lại cũng được triển khai ngay sau đó.

Xem thêm: Lịch sử của cuộc chiến tranh Triều Tiên

USFK cho biết cụm radar X-band đặt trên mặt đất của THAAD có thể phát hiện, phân loại và nhận dạng các mối đe dọa của tên lửa đang được bắn tới trong tầm 1.000km.

Ngoài ra, THAAD có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung cả bên trong và bên ngoài tầng khí quyển, có thể được vận hành chung với các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo khác, có tính cơ động cao và có thể triển khai tại khắp nơi trên thế giới.

Tên lửa THAAD sử dụng động năng để tiêu diện mục tiêu. Tên lửa có tầm bắn 200km và có thể vươn tới độ cao 150km.

USFK vận chuyển thêm 4 bệ phóng tên lửa đánh chặn vào căn cứ mới của họ ở thị trấn Seongju ngày 7/9. (Nguồn: THX/TTXVN)

Việc triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc đã vấp phải sự phản đối gay gắt của Nga và Trung Quốc vì hai nước này cho rằng hoạt động này gây ra các mối lo ngại về an ninh.

Trung Quốc đặc biệt lo ngại cụm radar X-band của THAAD có thể theo dõi các cơ sở quân sự và làm suy yếu các khả năng sử dụng vũ khí đạn đạo của của nước này.

Khoảng 10 xe quân sự của Mỹ mang các trang thiết bị THAAD  chuyển tới Seongju, Hàn Quốc ngày 7/9/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng về mặt lý thuyết, tầm hoạt động tối đa của cụm radar đi cùng với THAAD ở Hàn Quốc có thể bao trùm cả Triều Tiên và một số khu vực của Trung Quốc, song cụm radar này không thể phát hiện các cơ sở trên mặt đất ở Trung Quốc do độ cong của Trái Đất.

Trước đây, Mỹ đã triển khai hệ thống THAAD ở Guam để chống lại các mối đe dọa bằng tên lửa trong khu vực.

Hiện, Lầu Năm Góc đang cân nhắc khả năng triển khai THAAD tại Đức trong bối cảnh cả Mỹ và các đồng minh phương Tây cho rằng Iran có thể nối lại việc phát triển các tên lửa hạt nhân sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, quốc gia vùng Vịnh đầu tiên, cũng đang triển khai hệ thống THAAD của riêng mình - một phần trong các nỗ lực của Mỹ nhằm tạo ra một mạng lưới phòng thủ tên lửa phối hợp chống lại Iran.

Hệ thống THAAD trong cuộc thử nghiệm tấn công, đánh chặn mục tiêu ở đảo Wake, Thái Bình Dương ngày 1/11/2015. (Nguồn: Stripes/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục