[Video] Kiểm toán các dự án PPP tạo sự minh bạch để hấp dẫn đầu tư

'Hầu hết các dự án BOT, BT đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch và tiềm ẩn rủi ro, nên khi triển khai còn nhiều vướng mắc, gây quan ngại cho các nhà đầu tư.'

Từ năm 2016-2019, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông. Kiến nghị xử lý tài chính 4.684 tỷ đồng, bằng 3,4% tổng giá trị kiểm toán với nhiều dự án có tỷ lệ xử lý lớn từ 11% đến 13%. Bên canh đó, kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 81 dự án lên tới 300 năm, trong đó dự án giảm thời gian nhiều nhất 13 năm.

Giáo sư, tiến sỹ Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước:“Kết quả kiểm toán các dự án PPP và các dự án BOT, BT còn nhiều bất cập. Hầu hết các dự án BOT, BT đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu dẫn đến giảm tính cạnh tranh và minh bạch, tiềm ẩn rủi ro. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP đang dừng lại ở thông tư và nghị định hướng dẫn. Vì vậy, khi triển khai còn nhiều vướng mắc, gây quan ngại cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.”

Kiểm toán Nhà nước cũng kiểm toán 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT và kiến nghị xử lý tài chính 9.102 tỷ đồng, bằng 13,78% tổng giá trị được kiểm toán, có những dự án tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính lớn từ 27%-29% giá trị.

Vấn đề đặt ra, nếu các dự án BOT, BT thời gian qua không được kiểm toán thì số tiền thất thoát sẽ rất lớn, làm gia tăng chi phí đè nặng lên đầu người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và ngân sách Nhà nước sẽ thất thoát lớn.

Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình- Nguyễn Ngọc Phương: “Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý,sớm xây dựng và ban hành Luật đầu tư theo hình thức PPP và nghị định hướng dẫn thi hành đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao. Đặc biệt là cần có quy trình phù hợp chặt chẽ phát huy tốt vai trò trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan, nhất là thanh tra, kiểm toán để hạn chế tối đa những thất thoát lãng phí, tiêu cực xảy ra trong quá trình thực hiện dự án.”

Nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao tiềm năng thị trường hạ tầng ở Việt Nam, nhưng do các rào cản nên sự tham gia còn hạn chế. Và, khi các rào cản được gỡ bỏ, dự án PPP phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục