Các nhà khoa học thuộc nhóm Event Horizon Telescop Collaboration ngày 10/4 công bố hình ảnh đầu tiên về hố đen trong vũ trụ.
Đây là một phát hiện đột phá, được cho là có thể kiểm chứng học thuyết về thuyết tương đối của Albert Einstein.
Các nhà khoa học trên đến từ Brussels (Bỉ), Sangtiago de Chile (Chile), Đài Bắc (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản) và Washington (Mỹ) đã tiết lộ về cái gọi là "chân trời sự kiện," đường ranh giới quanh một hố đen, nơi lực hấp dẫn mạnh đến nỗi không định luật vật lý bình thường nào có thể áp dụng được và không gì có thể thoát ra.
[Lần đầu tiên giới khoa học chụp được hình ảnh hố đen trong vũ trụ]
Hình ảnh hố đen vừa được công bố được chụp từ 8 kính viễn vọng trên toàn cầu - từ các núi lửa ở Hawaii (Mỹ) đến sa mạc Atacama ở Chile, đến tận Nam Cực và châu Âu.
Các kính viễn vọng này đã tham gia vào các cuộc quan sát từ năm 2017. Chúng được kết nối với nhau để tạo ra một hình ảnh viễn vọng có kích cỡ như Trái Đất, cho phép đo kích cỡ của các vùng phát sáng của hai hố đen siêu lớn có các "chân trời sự kiện" lớn nhất.
Hố đen này nằm ở trung tâm dải thiên hà khổng lồ M87, cách Trái Đất khoảng 55 triệu năm ánh sáng và có khối lượng khoảng 6,6 tỷ lần khối lượng Mặt Trời./.