[Video] Hà Nội đau đầu tìm giải pháp nào 'hồi sinh' sông Tô Lịch

Theo các chuyên gia về môi trường, để giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch, thì không thể trông đợi vào việc xử lý ô nhiễm tại chỗ bằng hóa chất hay công nghệ.
Sông Tô Lịch. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Từ cuối năm 1990 đến nay, thành phố Hà Nội cùng các tổ chức xã hội trong và ngoài nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp làm sạch sông Tô Lịch nhưng đến nay vẫn ô nhiễm.

Vậy đâu là giải pháp căn cơ để "hồi sinh" dòng sông này?

Từ một con sông trong xanh góp phần tiêu thoát nước trên địa bàn 6 quận, huyện của Thủ đô, sau một thời gian bị “bức tử,” Tô Lịch đã trở thành một dòng sông “chết”...

Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, trên con sông dài gần 14km, mỗi ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống với gần 300 ống cống cùng nguồn nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp và rác thải ven sông.

[Sau Tô Lịch, công nghệ Nhật được giới thiệu làm sạch... ao tù]

Trước tình trạng này, cuối những năm 1990, sông Tô Lịch đã bắt đầu được nạo vét đáy, kè bờ, để làm sạch và chống lấn chiếm.

Tiếp đó, từ năm 2009 đến nay, Hà Nội cũng đã có nhiều giải pháp cấp bách như dùng nước sông Hồng rửa sông Tô Lịch, sử dụng chế phẩm Redoxy3C để xử lý ô nhiễm, hay thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor (Nhật Bản) và gần đây nhất là hồi sinh dòng sông bằng nước hồ Tây... Vậy nhưng, đến nay, sông Tô Lịch ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm.

Theo các chuyên gia về môi trường, để giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch, thì không thể trông đợi vào việc xử lý ô nhiễm tại chỗ bằng hóa chất hay công nghệ.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện chỉ còn phương án cuối cùng là xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông, nước thải sẽ được đưa về nhà máy nước thải Yên Xá để xử lý.

Tuy nhiên, theo tiến độ việc xây dựng hệ thống cống thu gom hoàn thành vào năm 2020, nhưng đang chậm tiến độ. Dự kiến năm 2021 hoàn thành./.

(Vnews/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục