Ngày nay, làng nghề Kim hoàn Định Công (Hà Nội) với bề dày ngàn năm tuổi không còn những lò kim hoàn đỏ lửa hay những tiếng búa, đe rộn ràng. Thay vào đó là những quán hàng, cửa hiệu và những toà cao ốc mọc lên san sát. Thế nhưng, “mảnh hồn làng” vẫn còn vẹn nguyên bởi những người nghệ nhân đau đáu dành cả cuộc đời để giữ ngọn lửa nghề.
Nghệ nhân Quách Văn Trường được người dân Định Công coi như cuốn từ điển sống về nghề Kim hoàn. Ông đã cống hiến hơn 60 năm cuộc đời cho nghề tổ truyền của quê hương. Năm mười tuổi, ông bắt đầu phụ giúp gia đình những công đoạn đầu tiên. Và phải mất đến bảy năm ông mới trở thành một người thợ kim hoàn lành nghề.
Hiện ông và con trai Quách Phan Tuấn Anh đang duỳ trì một xưởng sản xuất kim hoàn với gần 10 thợ. Hoạt động chính của xưởng là “đậu bạc” - một trong những trường phái làm kim hoàn khó nhất.
Với nhiều nghề nghiệp khác, để học thành nghề và kiếm thu nhập có thể không tốn quá nhiều thời gian. Đối với nghề đậu bạc nói riêng và kim hoàn nói chung, để trở thành một người thợ lành nghề có khi phải tốn tới vài năm ròng rã. Vì thế, dù có mức thu nhập khá tốt, nhưng việc thu hút và đào tạo nghề của cha con nghệ nhân họ Quách là cả một câu chuyện khó khăn.
Nhờ tình yêu và khát khao truyền lại ngọn lửa lò, lửa nghề mà căn xưởng nhỏ của hai cha con ông Trường cứ ngày càng đông đúc. Chắc chắn, ngọn lửa mang linh hồn của làng nghề ấy sẽ còn cháy mãi trong các thế hệ sau./.