[Video] Cơm tấm: Món ăn biểu tượng cho sự giao thoa văn hóa

Theo nhiều câu chuyện kể lại, cơm tấm ngày xưa là món ăn bình dân dành cho những người lao động nghèo, tuy nhiên qua thời gian, cơm tấm đã ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Theo nhiều câu chuyện kể lại, cơm tấm ngày xưa là món ăn bình dân dành cho những người lao động nghèo.

Hạt gạo tấm ngày xưa được coi là gạo thứ phẩm, giá rẻ và thường được dùng để cho gà, heo ăn. Do cuộc sống khó khăn, có năm mất mùa không có gạo để ăn nên người dân đã nghĩ tới việc dùng gạo tấm để nấu thành cơm ăn, vẫn no bụng mà giá thành lại rẻ. Do cơm tấm nở ít, nên khi ăn sẽ no lâu, điều vô cùng thích hợp với người dân lúc bấy giờ.

Món cơm tấm sau đó bắt đầu được phổ biến khắp các miền lục tỉnh và được dùng làm bữa sáng. Cơm tấm được ví là món ăn mà bất cứ ai đã tới TP.HCM mà không nếm thử là vô cùng thiếu sót.

Cơm tấm đã trở thành một biểu tượng và là sự giao thoa văn hóa giữa ẩm thực đông với tây: Ăn cơm bằng dĩa, muỗng nĩa theo kiểu Tây, thức ăn đi kèm là thịt nướng phong cách Pháp, chả trứng của người Hoa, bì thính của người Bắc, nước mắm chua ngọt của người TP.HCM. Sự kết hợp vô cùng kì diệu này đã tạo nên một món ăn có một không hai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục