Hầu hết kẹo, bánh, phụ gia, dầu mỡ... tất cả đều được bày la liệt trên nền đất rất mất vệ sinh, nhếch nhác. Đó là những gì đang diễn ra tại một số cơ sở sản xuất và gia công bánh kẹo trên địa bàn xã La Phù (Hoài Đức).
Nằm cách không xa trung tâm thành phố Hà Nội, xã La Phù huyện Hoài Đức (Hà Nội) lâu nay đã nổi tiếng với tên gọi “Kinh đô bánh kẹo miền Bắc”, vì ở đây cái gì cũng có, từ bánh, kẹo, rượu, bia nước giải khát, tất cả hàng hóa với mẫu mã khá bắt mắt.
Tuy nhiên, với những gì phóng viên VietnamPlus chứng kiến trực tiếp tại một số cơ sở đang sản xuất và làm gia công bánh kẹo thì câu hỏi về công tác kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là dấu hỏi lớn?
Có mặt tại cơ sở Trường Thịnh Phát nằm sâu trong một con hẻm của xã, không khí sản xuất diễn ra rất khẩn trương với nhiều loại bánh kẹo, bỏng cây... được bày ra tràn ngập trên các lối đi.
Về cảm quan mà nhận xét thì hầu hết các sản phẩm được làm ra ở đây có bao bì khá bắt mắt, không thua kém gì hàng ngoại nhập. Thậm chí theo sự giới thiệu của ông chủ cơ sở thì không có hàng giả, hàng nhái và cơ sở của ông luôn được sự kiểm tra, hướng dẫn của các đoàn liên ngành của huyện, của xã.
Nhưng trái với lời giới thiệu ấn tượng đó, mọi việc diễn ra bên trong các dây chuyền sản xuất đã phản bác lại những gì mà ông chủ này vừa tuyên bố trước đó.
Bí mật tiếp cận tầng 2 của ngôi nhà, chúng tôi giật mình bởi một xưởng sản xuất hết sức thô sơ và nhếch nhác. Mọi nguyên liệu đầu vào như đường, bột mì, phẩm màu... đến những nồi nấu đường đang bốc khỏi nghi ngút đều quá nhem nhuốc, bẩn thỉu.
Đáng lo ngại hơn, đội ngũ công nhân ở đây đều không được trang bị bất cứ một thiết bị bảo hộ nào để làm bánh, kẹo, chủ yếu là tay trần và chân đất mà mục tiêu dường như là để làm được nhiều sản phẩm nhất, trong thời gian nhanh nhất có thể.
Sự hiện diện của "người lạ" cũng không làm họ bất ngờ. Một công nhân tại Trường Thịnh Phát cho biết, đây là nhân kẹo dẻo được làm từ đường kết hợp với một số nguyên liệu khác.
Nói là đường để làm kẹo dẻo, nhưng không biết nguồn gốc ở đâu ra, bởi tất cả nguyên liệu đều đựng trong các xô, chậu và thùng sơn đều không thể hiện rõ địa chỉ sản xuất và được dải khắp dưới sàn đất lênh láng nước.
Hướng ánh mắt vào kho nguyên liệu của hộ sản xuất bánh kẹo Trường Thịnh Phát, với gần chục bao tải bột, cùng với xô, thùng nguyên liệu được bày ngổn ngang trên sàn nhà lênh láng nước bẩn, thậm chí dép cũng được để chung với khay đựng thành phẩm… và nơi dùng để vệ sinh các công cụ sản xuất thì đầy ố tạp.
Quá bối rối trước sự xuất hiện của chúng tôi trong căn gác phía trên, ông chủ cơ sở là Tạ Xuân Trường ấp úng lý giải, việc sản xuất các mặt hàng bánh kẹo, bỏng cây của gia đình tuy đã được nhiều năm nhưng một số công đoạn vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện.
Ông Trường cho biết, mỗi ngày chỉ sản xuất vài trăm kg cung cấp chủ yếu cho La Phù nên không nhiều lắm và đó là những khó khăn để gia đình ông nâng cấp cũng như đáp ứng các yêu cầu về An toàn vệ sinh thực phẩm.
"Chúng tôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm một cách tốt nhất nhưng có những cái đang làm và đang triển khai và làm sao để tốt hơn nữa," ông Trường nói.
Còn tại cơ sở Tân Hoàng Gia ở xóm bên cạnh, với quy mô lên gấp 5-7 lần so với Trường Thịnh Phát, thoạt quan sát thì dây truyền đóng gói khá hiện đại, sàn đóng gói qui củ hơn nhờ được trải bạt nhưng bên trong xưởng sản xuất, chúng tôi vẫn bắt gặp nhiều hình ảnh không được đẹp mắt.
Đó là nhiều thùng dầu, mỡ, đường, phụ gia thực phẩm... được đựng trong các thùng sơn và đặt la liệt dưới sàn đất, trong khi nhân viên làm trực tiếp thì không hề được trang bị bảo hộ lao động.
Tầng 2 là nơi đóng gói sản phẩm và các bao bì gần giống các thương hiệu nổi tiếng đều có mặt tại đây.
Quan sát kỹ, hộp bánh Damisa của công ty Tân Hoàng Gia được bài trí y nguyên so với hộp bánh nhập khẩu từ Đan Mạch (Danisa), trên bề mặt vỏ hộp là vương miện hoàng gia, hình ảnh bánh được in ấn vàng ươm. Ngoài ra, cách bài trí bên trong hộp bánh cũng hoàn toàn bê nguyên bản từ hộp bánh nhập khẩu.
Không thể phủ nhận, hiện nay, các cơ sở ở La Phù có thể sản xuất được hầu hết tất cả các mặt hàng bánh kẹo và có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập.
Tuy nhiên, với một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, len lỏi tung ra thị trường các loại hàng nhái, hàng kém chất lượng có thể sẽ làm hư hại đi hình ảnh đẹp về một làng nghề truyền thống.
Nói về công tác quản lý địa bàn, ông Tô Sơn Hồng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 24 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, đây là một làng nghề truyền thống có từ lâu đời nên Ban chỉ đạo liên ngành chống buôn lậu và gian lận thương mại của huyện Hoài Đức rất chú trọng công tác tuyên truyền để ngăn ngừa hàng giả, hàng nhái.
"Quan điểm của Đội Quản lý thị trường số 24 là yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất trên địa bàn phải đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm, nguyên liệu đầu vào phải có hóa đơn nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng như công bố, các doanh nghiệp không được sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng và cương quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật," ông Hồng nói.
Ông Hồng cũng băn khoăn bởi đối với các làng nghề truyền thống thì "cuối cùng vẫn phải là từ ý thức của chủ cơ sở sản xuất". Bên cạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa thì đồng thời phải có kiểm tra, giám sát, biện pháp mạnh là xử lý nếu các cơ sở không chấp hành./.