[Video] Cải cách điều kiện kinh doanh vẫn mang hình thức đơn giản hóa

Năm 2017-2019, Chính phủ ban hành gần 40 văn bản chỉ đạo về cải cách, trong đó điều kiện kinh doanh là mục tiêu ưu tiên. Song báo cáo từ CIEM cho biết kết quả cắt giảm thực chất chỉ đạt khoảng 30%.

Kết quả, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) – tháng 10/2019: Bãi bỏ 12 ngành, nghề, sửa đổi 19 ngành, nghề, bổ sung 6 ngành, nghề. Và, báo cáo của các Bộ cho biết đến hết năm 2019, số điều kiện kinh doanh đã cắt giảm hơn 50% và đạt chỉ tiêu về số lượng. Tuy nhiên, báo cáo từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết kết quả cắt giảm thực chất chỉ đạt khoảng 30%.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh – CIEM cho biết: "

Qua rà soát độc lập, chúng tôi thấy rằng cắt giảm thực chất là hơn 30%. Tại vì, có những quy định cắt giảm không có ý nghĩa khi không nhiều thay đổi, đơn thuần chỉ là đơn giản hóa hoặc giảm mức độ yêu cầu, còn điều kiện kinh doanh thì có thể vẫn tồn tại.”

Ví như, điều kiện cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền cần phải đáp ứng 8 điều kiện kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho biết: “Năm 2017, trong số 40.000 điều kiện kinh doanh tại thời điểm đó, lúc đầu kiến nghị cắt bỏ 3/4 số đó, cắt bỏ chứ không phải cắt giảm và đơn giản hóa. Nhưng sau khi kiến nghị, cuối cùng trình lên Thủ tướng Chính phủ thì cắt ít nhất 50%.

Nhiệm vụ cải cách này giảm rất nhiều, mục tiêu cải cách trở nên rất mờ, không rõ, không biết cắt giảm bao nhiêu, đơn giản hóa bao nhiêu. Đơn giản hóa nghĩa là gì, đơn giản hóa nhiều khi chỉ thay một cái tên, bỏ một cái hồ sơ hay bỏ một nội dung gì đó trong hồ sơ. Đưa ra đơn giản hóa cắt giảm 50% là làm mờ đi mục tiêu và nhẹ đi yêu cầu cạnh tranh.”

Với thực trạng trên, các chuyên gia thuộc Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh-CIEM kiến nghị: Để tạo đột phá mới về cải cách điều kiện kinh doanh, Nhà nước cần thay đổi quản lý chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Theo đó, doanh nghiệp được chủ động hoạt động kinh doanh và chỉ cần thông báo mà không cần phải xin phép cơ quan quản lý.

Các chuyên gia của CIEM cũng khuyến nghị, hoạt động hậu kiểm cần được thực hiện trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh song cần tuân thủ nguyên tắc quản lý rủi ro, có cơ chế giám sát hoạt động thanh tra, kiểm tra, thiết lập kênh ghi nhận phản hồi từ doanh nghiệp công khai, minh bạch và đảm bảo an toàn./.

(Vietnam+)