Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi ngày có hàng chục, thậm chí hàng trăm sản phụ vượt cạn để sinh con tại đây.
Với người phụ nữ, mỗi lần sinh để được “mẹ tròn con vuông” là cả một quá trình vất vả và gian nan. Sau khi sinh em bé, họ lại tiếp tục phải gồng mình với những khó khăn trong cảnh nằm ghép.
Cảnh tượng những chiếc giường bệnh rộng vỏn vẹn chỉ có một mét hai mà có tới 4 người nằm trên đó khiến ai cũng cảm thấy xót xa. Ở rất nhiều giường bệnh là tình trạng hai sản phụ mới sinh và hai em bé vừa chào đời nằm chen chúc, tráo đầu đuôi.
Thạc sỹ Vũ Văn Khanh – Phó trưởng Khoa đẻ (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho hay, bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 50-60 sản phụ tới sinh con.
Chị Trần Thị Minh, ở Hải Dương vừa sinh hạ một bé gái kháu khỉnh nặng tới 4,2 kg. Do em bé to và cần an toàn nên chị tới bệnh viện phụ sản trung ương để sinh. Sau khi sinh, chị được đưa về khoa sản trong tình trạng nằm ghép với một mẹ và một em bé nữa.
Không chỉ riêng chị Minh, mà rất nhiều sản phụ khác tại đây cũng đều chung cảnh nằm ghép giường. Đã nằm viện sang ngày thứ 4 sau mổ, chị Nguyễn Thị Tính cho hay, 4 ngày qua chị đều phải nhằm ghép giường.
Giảm quá tải bệnh viện, giảm nằm ghép tiến tới việc mỗi bệnh nhân được nằm một giường là chủ trương nhiều năm nay của ngành y tế.
Những năm qua, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện nhằm giải quyết tình trạng quá tải như cam kết không để bệnh nhân nằm ghép giường quá 48 giờ… Thực tế cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Tại nhiều cơ sở y tế hàng đầu như tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tình trạng quá tải giường bệnh khiến bệnh nhân phải nằm ghép giường bệnh vẫn diễn ra nhiều năm nay và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Với những sản phụ, vượt cạn với họ đã là giai đoạn khó khăn và đau đớn. Sau sinh, những người mẹ, người phụ nữ ấy lai tiếp tục rơi vào cảnh nằm ghép giường khổ sở. Có lẽ, với những sản phụ trên thì tình mẫu tử mới giúp họ cam chịu, vượt qua tất cả./.