“Khi tao chết nhớ thổi cho tao bài ‘Lá diêu bông’ chứ đừng thổi bài ‘Tiến quân ca,” Trung tướng Lê Nam Phong từng dặn lại đội kèn sẽ phục vụ khi ông “nằm xuống” như vậy đó.
Bởi, như người phụ nữ cả đời bên cạnh ông, bà Võ Thị Hồng Mai cho biết, chồng mình là người đào hoa, lắm cô mê, mà tính ông lại hài hước và hay trêu chọc người khác, thành ra nhiều bận ông cho các cô xơi “dưa bở,” đến tận nhà ông rồi họ mới tá hỏa tam tinh.
Hỏi bà rằng thời trẻ ông đẹp trai, tài giỏi lại đào hoa, nhiều người đeo thế có khi nào bà ghen không? Bà cười hiền nói, ông chỉ vui thế thôi chứ không có gì đâu. Thời gian của ông chủ yếu ngoài mặt trận còn lo chiến đấu, nếu có làm sao bà biết được mà ghen. Quay sang trêu ông đào hoa thế không có cô nào ngoài bà thì giấu giếm là chắc, ông cười khà khà xua tay: “Không có đâu, xin thề.”
Vâng, “Đại đội trưởng đầu trọc” nức tiếng từ chiến dịch Điện Biên Phủ Lê Nam Phong năm nào đang ngồi đối diện tôi, để kể “câu chuyện yêu” đầy dí dỏm của ông, giữa căn nhà vườn rộng lớn rợp bóng cây ở quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Và tôi, lặn lội từ Hà Nội vào đây để được ông bà “chiêu đãi món lạ,” những chuyện thú vị và cảm động về tình đồng chí, đồng đội sau 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Ai lấy tôi thì giơ tay lên?”
Hiếm ai đến tuổi 88 rồi mà vẫn giữ được diện mạo đẹp và mạnh khỏe, phong độ như Trung tướng Nam Phong. Da dẻ ông hồng hào, ít nếp nhăn và hầu như ngày nào lái xe riêng cũng đưa ông đi thăm đồng đội, gặp gỡ anh em. Đặc biệt, vị tướng già nhưng tâm hồn phơi phới, mỗi câu chuyện qua lời ông đều trở nên hài hước, dí dỏm.
Hỏi ông có bí quyết gì không mà trẻ lâu thế, ông bảo không, “chỉ có điều hay bị bà phê bình là ít tắm và không chịu tập thể dục,” ông Nam Phong quay sang bà cười nói.
Còn cụ bà “than,” 70 tuổi mới về hưu mà ông cứ ở nhà là ốm nên đi suốt à, có hôm đi đến 10 giờ đêm mới về.
Nhìn cảnh vợ chồng vị tướng già đã dắt tay nhau đi gần trọn kiếp người, trải qua những năm tháng gian khó và nhiều hy sinh để giờ đây thanh thản ngồi ngắm lũ trẻ ríu rít, mè nheo bỗng thấy cuộc sống quá yên bình và đủ đầy.
Ông kể, “sau chiến dịch Điện Biên Phủ [khi ấy ông Nam Phong nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 225, Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308-PV], thằng nào cũng muốn lấy vợ, đến nỗi đi ra đường thấy phụ nữ là có thể lấy làm vợ liền.”
Thế rồi chiến dịch kết thúc, ông trở thành cán bộ chỉ huy tiểu đoàn cùng Đại đoàn quân tiên phong tiến về giải phóng Thủ đô. Nghe lời bạn bè khuyên, ông về quê ở Nghệ An... kiếm vợ.
Bà Hồng Mai bồi hồi nhớ lại: “Trong một buổi sinh hoạt giao lưu với thanh niên làng, ông Phong được mời tới kể chuyện Điện Biên. Kể xong, ông ấy hỏi: Ai lấy tôi thì giơ tay lên? Thế là tôi giơ tay vì nghe nhầm thành ông ấy hỏi ‘Ai hát thì giơ tay lên.’ Chỉ thế thôi cũng thành đôi.”
Hai nhà cách nhau có 300 mét, hôm sau một mình ông Phong tự mang trầu cau và rượu sang nhà hỏi vợ. Khi ấy ông 27 còn bà kém ông mười tuổi. Đám cưới đôi vợ chồng trẻ được tổ chức giản dị ở Thủ đô cùng niềm hoan hỉ của đồng đội. Câu chuyện lấy được vợ của ông Nam Phong mộc mạc và đậm chất lính như thế.
Cuối năm 1962, ông vào Nam chiến đấu và biền biệt hàng chục năm trời. Trong khoảng thời gian đó, bà Mai nuôi con một mình và ngày nào cũng ngoảnh mặt vào Nam trông ngóng tin chồng mà cạn khô nước mắt, người gầy rộc đi...
Và phải tới năm 1976, “ông Năm lửa” mới được trở về Thủ đô với gia đình ở số 28 phố Điện Biên Phủ. “Hôm về ông ấy còn không nhớ nhà ở đâu, đi tuốt lên tận Bưởi,” bà Hồng Mai kể.
Hỏi bà cả đời ông đi như thế rồi giờ về hưu có bù đắp được tí nào cho bà không, bà bảo: “Ông có bù đắp được cái gì đâu. Với những chiến công của ông, bà cũng chỉ biết phấn khởi thôi. Mừng nhất là ông không chết. Không còn ông thì bây giờ sao có thể có một không khí gia đình đầm ấm, vui vẻ thế này được. Cả đời ông toàn đi ra trận đánh nhau. Cuộc đời tôi từ lúc cưới đã không ở được với ông bao nhiêu, cho đến sau khi ông nghỉ hưu ở tuổi 70 hai người mới có nhiều thời gian dành cho nhau.”
Trung tướng cũng... khóc!
Không chỉ giỏi cầm quân mà Trung tướng Nam Phong còn là người rất thương binh sỹ. Lính tráng nào khó khăn, ốm bệnh không có tiền là ông cho và đi vận động hỗ trợ nhiệt tình.
Thậm chí, nhiều người nghèo quá không có tiền cưới vợ ông cũng chẳng ngần ngại cho tiền làm đôi chục mâm cỗ. “Chuyện đó diễn ra thường lắm, giờ không nhớ hết. Tôi từng theo ông đi hỏi vợ cho vài chục binh lính,” bà Mai nói.
Còn một chuyện khiến bà Mai nhớ mãi về người chồng quá đỗi nhân hậu và hào phóng của mình. Chẳng là hồi năm 1980, khi còn là Tư lệnh quân đoàn 1, trong chuyến đi Nam Định gặp lại đồng đội Vũ Bầu, cũng từng là Trung đoàn trưởng dũng cảm thời đánh Mỹ, mà nay chân lấm, tay bùn tất tả chăn vịt ngoài cánh đồng chiêm trũng, gia cảnh bần hàn, ông Nam Phong vô cùng xót xa.
Thương đồng đội, không đành lòng, trước khi chia tay “ông trút bỏ hết quần áo, có bao nhiêu tiền bạc trong người đưa hết cho bạn, chỉ còn mặc chiếc quần đùi bộ đội trên người lên xe về. Tới đơn vị, ông Phong đi lò cò qua cổng vào văn phòng, lính gác thấy vậy còn cười ông suốt mấy năm.”
Từ đó về sau, anh em cấp dưới cứ mỗi lần tháp tùng thủ trưởng đi công tác bao giờ cũng chuẩn bị thêm bộ quần áo thứ hai, để nhỡ sếp gặp đồng đội nào thiếu thốn quá mà lột đồ cho thì vẫn còn bộ cánh sơ cua.
Lúc tại ngũ đã đành, ngay cả khi nghỉ hưu rồi Trung tướng Nam Phong vẫn dành thời gian, tâm sức cùng các cựu binh Sư đoàn 7 đi tìm mộ liệt sỹ giúp đưa hài cốt về quê, cùng hội cựu chiến binh vận động chính quyền các tỉnh miền Đông chung tay xây dựng tượng đài liệt sỹ…
Mới năm 2013 đây thôi, nhờ quen với doanh nghiệp Đài Loan mà ông xin được 3 tỷ để xây 100 căn nhà cho đồng bào nghèo ở Điện Biên Phủ.
Là vị tướng mạnh mẽ, kiên gan và thét ra lửa nơi chiến trường nhưng “yếu điểm” của ông Nam Phong như lời bà Hồng Mai nói, là “thấy anh em khó khăn mà không được giải quyết là ông hay khóc lắm và luôn cố gắng tìm mọi cách giúp đỡ. Sau này về Trường Lục quân 2 làm hiệu trưởng 10 năm, thì gần như 5.000 chiến sỹ ở đó đều gọi ông bằng bố. Ông luôn vui vẻ, giúp đỡ được anh em cái gì là không bao giờ tính toán.”
Đáp lại tấm lòng ấy, về hưu đã gần hai chục năm nhưng ngày nào cũng có người mời ông đi chơi, đi nhậu rôm rả. “Thành ra tôi ít khi phải nấu cơm cho ông ấy, một tháng chỉ khoảng vài lần thôi. Đời binh nghiệp tình cảm quen rồi, anh em trải qua sống chết với nhau ngoài mặt trận giờ hòa bình họ thương nhau lắm,” bà Mai cười hiền nói.
Câu chuyện với vợ chồng Trung tướng Nam Phong kéo dài qua cả bữa tối, rồi ông thiệt tình thổ lộ, chưa có cái ảnh nào để sau “nải chuối” nên muốn mặc quân phục vào cho tôi chụp ông vài kiểu thiệt đẹp.
Nói rồi, ông dẫn tôi lên phòng làm việc, chỉ tấm hình chụp hai ông bà hồi mới cưới, cười khà khà bảo: “Đấy, thời oanh liệt nhất của tôi đây. Lúc lấy cái bà ‘quỷ sứ’ kia kìa (vừa nói ông vừa chỉ tay về phía bà Mai đang đứng nơi bậu cửa nhìn ông trìu mến)../.
Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên là Tư lệnh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, thời chống Mỹ; Tư lệnh Quân đoàn I bảo vệ biên giới phía Bắc; Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 719 - Bộ Quốc phòng giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng; Giám đốc Trường Sỹ quan lục quân 2.
Ông tên thật là Lê Hoàng Thống, sinh năm 1927 tại xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 16 tuổi, ông tham gia làm liên lạc cho tổ chức Việt Minh bí mật trong vùng. Cuộc đời binh nghiệp của ông cũng bắt đầu từ đây.