“Biển là một phần trong cuộc đời của tôi, nó không đơn thuần là nơi mưu sinh, kiếm sống. Tôi yêu biển, cũng như yêu quê hương, đất nước này, vì vậy tôi xem việc gìn giữ và bảo vệ vùng biển Tổ quốc là nghĩa vụ phải làm,” đây là lời tâm sự của ngư dân Lê Văn Chiến.
Ông Chiến sinh năm 1966, trú tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.
Gắn bó với nghề biển gần 40 năm, lão ngư Lê Văn Chiến xem biển cả như một phần của cuộc đời mình, ngoài là một ngư dân sản xuất kinh tế giỏi, ông còn là một vị thuyền trưởng kiên cường bám biển, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề biển, năm 13 tuổi, ông Lê Văn Chiến bắt đầu biết được vị mặn mòi của gió, cát, phong sương, bão tố của biển cả mênh mông ở khơi xa.
Được cha, ông truyền dạy kinh nghiệm, cùng với sự quyết tâm, cần cù chăm chỉ, năm 21 tuổi, ông Chiến đã trở thành thuyền trưởng, chỉ huy tàu với 10 thủy thủ, vươn khơi…
Có vốn kinh nghiệm, sự dày dặn sóng gió, bản lĩnh sẵn có, ông Chiến nổi danh là một lão ngư “sát cá.” Những lần ra khơi, ông đều có thể nhận biết được ở vùng nào có nhiều cá, vùng nào nguy hiểm, chính điều đó, ông được các tàu cá khác xem là thủ lĩnh cho đội tàu vươn khơi đánh bắt xa bờ.
Tàu của ông Chiến hiện có 12 ngư dân, mỗi năm ông thực hiện 7 chuyến vươn khơi, mỗi chuyến kéo dài 25 đến 30 ngày, để phát triển, mở rộng nghề, tạo việc làm cho lao động đi biển, ông đã mạnh dạn mua tàu cá lớn, mang số hiệu ĐNa 90351, 2 máy lớn có tổng công suất là 840CV, được trang bị máy tầm ngư dò ngang cho nên năng suất đánh bắt tăng cao.
Trong khoảng thời gian làm nghề, ông đã chứng kiến nhiều sự cố gặp nạn của tàu cá bạn, cảm thương những số phận ngư dân bị biển cả lấy đi mạng sống và cũng nhiều lần cứu giúp các tàu khác gặp sự cố giữa biển khơi.
[Niềm vui đoàn viên của 41 ngư dân được cứu hộ trên vùng biển Trường Sa]
Năm 2008, khi đang đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, nhận được tin cầu cứu, ông Chiến đã tức tốc điều khiển tàu kịp thời trục vớt, cứu giúp 17 thuyền viên của tàu ông Phạm My Em, trú tại quận Liên Chiểu, bị cháy do nổ bình gas, các thuyền viên được tàu ông Chiến đưa đến nơi an toàn, gọi hỗ trợ từ Bộ đội biên phòng.
Năm 2013, tàu ông đã kịp thời lai dắt tàu của ông Hồ Tấn Phước, phường Thanh Khê Đông, chết máy ở ngoài khơi, cứu giúp 14 thuyền viên.
“Bao nhiêu năm gắn bó với nghề biển, tôi không thể nhớ được số lần đã cứu giúp các tàu bị nạn và cũng không muốn nhớ, bởi đó là những việc cần làm của người đi biển,” ông Chiến chia sẻ.
Ngoài việc cứu giúp các tàu, thuyền bị nạn, ông còn chung tay hỗ trợ bảo vệ biển đảo quê hương. Như lần tàu Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam, ông đã cùng với các thuyền viên không ngại nguy hiểm, vẫn đánh bắt cá ở gần đó, ngoài ra, ông còn kêu gọi các tàu khác cùng thực hiện quyết tâm, kiên trì giữ ngư trường truyền thống của mình.
Ông Chiến tâm sự: “Mỗi tấc đất, vùng biển thuộc về chủ quyền của Việt Nam, nó vẫn mãi là của chúng ta, bản thân tôi, hay con cháu sau này đều phải luôn có ý thức gìn giữ.”
Ngoài vị trí là thuyền trưởng, ông Lê Văn Chiến còn được bầu làm Chi hội trưởng Đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ quận Thanh Khê, Chi hội của anh có 23 tàu, các thành viên trong chi hội thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau vươn khơi bám biển.
Với cương vị thủ lĩnh, ông Chiến luôn kêu gọi các thành viên trong Chi đội của mình phải có ý thức bảo vệ biển đảo quê hương, quyết tâm giữ lấy ngư trường truyền thống.
Đặc biệt, trong những lần đánh bắt cá, nếu tàu nào trong đội gặp khó khăn do thời tiết, mưa bão hay bị gây hấn của các tàu nước ngoài, đều được hỗ trợ kịp thời bởi các tàu trong đội.
Ông Chiến cho biết Chi đội đánh bắt hải sản xa bờ quận Thanh Khê luôn đoàn kết, đồng lòng, cùng nhau chia sẻ ngư trường, quyết tâm giữ gìn vùng đánh bắt truyền thống, thường tụ hợp lại mỗi khi khó khăn.
Ông Nguyễn Quang Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà, cho hay ông Chiến là một ngư dân sản xuất kinh tế giỏi, giúp đỡ nhiều lao động không có việc làm.
Bên cạnh đó, ông luôn là thành viên tích cực trong việc tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương cho mọi người hiểu.
Ngoài là một thủ lĩnh giỏi trên biển, hằng năm ông đều làm từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
“Ông Chiến là người vui vẻ, hòa nhã, mọi thành viên trên tàu đều xem anh là anh cả. Ông thường xuyên giúp đỡ mọi người về kinh tế, trao đổi kinh nghiệm làm nghề.
Với vốn kinh nghiệm đi biển dày dặn, cứ hễ nghe tin tàu khác gặp nạn, ông đều nhiệt tình kịp thời cứu giúp, anh em trên tàu cũng đồng tâm, hưởng ứng lời kêu gọi của anh.
Đặc biệt, ông cũng thường xuyên liên lạc với Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển khi có vấn đề xảy ra trên biển,” ông Lê Văn Cường, thuyền viên tàu ông Chiến chia sẻ.
Với những thành tích và cống hiến trong bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ quyền quốc gia, sản xuất kinh doanh giỏi, trong nhiều năm liền ông Lê Văn Chiến được các cấp chính quyền, đoàn thể tặng giấy khen, bằng khen, tiêu biểu như Bằng khen của Trung ương hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Đặc biệt, ông Chiến vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 về thành tích tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giỏi và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015./.