Vị sư trụ trì hết lòng chăm lo cho người nghèo ở Kiên Giang

Từ năm 2007 đến nay, đại đức Danh Dung, trụ trì chùa Khmer Đồng Tranh ở Kiên Giang vận động bắc được 14 cây cầu giao thông để giúp cho người dân nghèo, đặc biệt là em học sinh đến trường thuận tiện.
Đại đức Danh Dung đã vận động các tổ chức, cá nhân và người dân đóng góp xây dựng cầu dân sinh phục vụ bà con đi lại thuận tiện, an toàn. (Ảnh: Lê Sen/ TTXVN)

Xuất gia từ năm 1995, khi đó đại đức Danh Dung, trụ trì chùa Khmer Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) vừa tròn 18 tuổi.

Với tấm lòng nhân ái muốn phổ độ chúng sinh, cầu phước lành của nhà Phật cho mọi người, đại đức Danh Dung đã mang lại nhiều niềm vui cho bà con ở địa phương như vận động các nhà hảo tâm đóng góp xây cầu, làm đường giao thông nông thôn, làm nhà; khám chữa bệnh và phát thuốc cho người nghèo; mở lớp dạy chữ Khmer vào các dịp hè; xây dựng, sửa chữa chánh điện, tăng xá trở thành nơi khang trang, tôn nghiêm để bà con đến sinh hoạt tôn giáo.

Đại đức Danh Dung cho biết bản thân sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xa xôi hẻo lánh và có tới mười anh em nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Vì vậy, khi xuất gia tu báo hiếu, bản thân luôn ra sức tu luyện, học tập để có kiến thức tuyên truyền trong đồng bào phật tử ra sức lao động, sản xuất làm ra của cải, tiết kiệm chi tiêu để giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Năm 1998, sư Dung lên nhận chức trụ trì chùa Đồng Tranh, lúc bấy giờ cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn đi lại khó khăn, hộ nghèo còn cao. Trong tổng số 130 hộ đồng bào phật tử ở ấp Đồng Tranh sinh sống thì có đến 50 là hộ nghèo.

Biết được những khó khăn của các phật tử nói riêng và xã Vĩnh Bình Bắc nói chung, bằng uy tín của mình, sư Dung đã vận động ủng hộ làm đường, làm các cây cầu giao thông nông thôn trên địa bàn.

Từ năm 2007 đến nay, cá nhân sư Dung đã vận động bắc được 14 cây cầu giao thông để giúp cho người dân, đặc biệt là các em học sinh đến trường được thuận tiện.

[Thầy giáo tự xây bể và dạy bơi miễn phí cho trẻ em nghèo miền núi]

Sư Danh Dung bộc bạch, lúc đầu còn phải thuê người thiết kế đo vẽ, thuê nhân công nên khi bắt tay vào làm cầu thì số tiền không còn nhiều. Từ đó, sư Dung tự học hỏi rồi đứng ra thiết kế thi công, còn các sư sãi trong chùa và bà con phật tử góp công sức làm miễn phí.

Vì vậy, khi có người hỗ trợ 300 triệu đồng, sư đứng ra tự thiết kế thi công và bà con phật tử cùng nhau làm thì chỉ tốn chi phí hơn 200 triệu, số còn lại chuyển qua bắc thêm cây cầu khác giúp được nhiều nơi có cầu giao thông nông thôn đi lại được dễ dàng.

Cùng với việc vận động bắc cầu giao thông nông thôn, sư Dung còn kêu gọi ủng hộ để cất nhà cho hộ nghèo. Từ năm 2004 đến nay, sư Dung vận động cất được hơn 50 căn nhà cho hộ nghèo trên địa bàn, mỗi căn từ 25-50 triệu đồng, giúp cho bà con phật tử có nhà để ở, chú tâm lo việc đồng áng để cùng vươn lên thoát nghèo.

Trong tháng 8/2020, sư Dung bàn giao 5 căn nhà cho 5 hộ Khmer nghèo trên địa bàn ấp Đồng Tranh, mỗi căn trị giá từ 30-40 triệu đồng. Đây là những hộ khó khăn về nhà ở cuối cùng của ấp Đồng Tranh, qua đó chính thức xóa được toàn bộ nhà xiêu vẹo trên địa bàn.

Ngồi trong căn nhà mới mái lợp tôn, nền lát gạch bông, bà Thị Phại chưa hết vui mừng cho biết, do nhà không ruộng đất, hàng ngày đi làm thuê mướn lo cái ăn, cái mặc và các con đi học nên ước mơ cất được căn nhà tươm tất để ở là quá xa.

Nếu không có sư Dung đứng ra vận động ủng hộ thì chưa biết đến bao giờ gia đình bà mới có được căn nhà khang trang để ở. Bà Thị Phại và những hộ nghèo được nhận nhà đều nghe theo lời của sư Dung, ra sức lao động, sản xuất, chi tiêu tiết kiệm để vươn lên trong cuộc sống.

Ông Danh Sáng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Đồng Tranh, cho biết toàn ấp có 315 hộ, trong đó dân tộc Khmer có 130 hộ. Những năm qua, nhờ các chính sách chăm lo cho hộ nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng bào dân tộc Khmer đã dần vươn lên thoát nghèo, trong đó có phần đóng góp của đại đức Danh Dung. Nhờ vậy, đến nay toàn ấp chỉ còn 9 hộ nghèo, trong đó 6 hộ là đồng bào dân tộc Khmer.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Vĩnh Thuận Võ Thanh Xuân, xã Vĩnh Bình Bắc luôn đi đầu thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, 5 năm liền đạt Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong thành tích chung đó có sự đóng góp của sư Dung. Với những việc làm thiện nguyện đầy tính nhân văn, giúp cho đồng bào phật tử nghèo vươn lên, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, sư Dung luôn ra sức tu luyện, học tập những cái hay, cái đẹp để truyền đạt cho phật tử mỗi dịp lễ, tết.

Ghi nhận tấm lòng của nhà sư, cùng với mong muốn của sư được tham gia vào tổ chức của Đảng để chăm lo cho đồng bào phật tử cũng như nhân dân trên địa bàn ngày có cuộc sống ấm no hơn, năm 2014, sư Danh Dung vinh dự được kết nạp vào Đảng.

"Tổ chức Đảng là rất thiêng liêng, nên việc phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng là rất cần thiết. Sau khi được vào Đảng, bản thân sư được học tập hiểu biết nhiều hơn các chính sách của Đảng, Nhà nước về tuyên truyền lại cho bà con phật tử nắm bắt kịp thời để áp dụng trong cuộc sống, cùng ra sức thi đua lao động, sản xuất, góp phần cho quê hương ngày giàu đẹp, thịnh vượng" - sư Danh Dung bộc bạch.

Với những việc làm thiết thực, sư Danh Dung được Ủy ban Nhân dân huyện và tỉnh tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác từ thiện xã hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển dân tộc."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục