Vì sao tỷ lệ giải ngân vốn Bộ GTVT cao vượt trội so bình quân cả nước?

Mặc dù dịch COVID-19 khiến nhiều dự án giao thông gặp khó nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải nên tỷ lệ giải ngân vốn của ngành vẫn cao vượt trội so với bình quân của cả nước.
Bộ Giao thông Vận tải là đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong các bộ, ngành. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đại dịch COVID-19 bùng phát phức tạp nên nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội khiến việc huy động nhân lực cho các công trình cũng như cung cấp vật tư, triển khai thi công gặp khó khăn... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện và giải ngân các dự án nói chung và các dự án giao thông nói riêng.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả ngành giao thông, sát sao chỉ đạo và thúc ép từ lãnh đạo Bộ đối với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tiến độ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải đã đạt được tỷ lệ cao vượt trội so với ước bình quân cả nước.

Điều chuyển vốn và đảm bảo an toàn phòng chống dịch

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tổng kế hoạch được giao, phân bổ vốn đầu tư năm 2021 của Bộ khoảng 43.401 tỷ đồng gồm 42.996 tỷ đồng  kế hoạch năm (trong đó 38.159 tỷ đồng  vốn trong nước, 4.837 tỷ đồng vốn nước ngoài) và khoảng 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài.

Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã phân bổ chi tiết được 42.009/42.996 tỷ đồng, đạt 97,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó 37.257/38.159 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 97,6% và 4.752/4.836 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 98,3%); so với bình quân chung cả nước đạt 88% kế hoạch Thủ tướng giao.

Đến ngày 22/6, theo báo cáo của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, giá trị giải ngân được 14.808 tỷ đồng (đạt 34,9% kế hoạch). Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo quyết liệt để phấn đấu giải ngân lũy kế tới hết tháng 6/2021 đạt 40% tổng số kế hoạch (ước tính tỷ lệ giải ngân bình quân chung khối các bộ, ngành hết tháng 6/2021 theo tính toán của Bộ Tài chính là 22%).

Theo dự kiến, hết tháng 6/2021, Bộ Giao thông Vận tải đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn so với bình quân chung cả nước và cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2020 (khoảng 6%), tuy nhiên giá trị giải ngân chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước cho các doanh nghiệp và địa phương, phần giải ngân cho khối lượng thi công chưa cao.

[Bộ TC: 37/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài 0%]

Trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên công tác xây dựng cơ bản, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công với nhiều giải pháp như giao ban tập thể lãnh đạo Bộ hàng tuần để xử lý các vấn đề trọng tâm trong tuần và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm tuần kế tiếp; giao ban xây dựng cơ bản hàng tháng; quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, người đứng đầu ngay trong các quyết định giao vốn; kịp thời có văn bản đôn đốc, phê bình các chủ đầu tư chậm tiến độ; thường xuyên kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương để tháo gỡ các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng.

“Bộ đã kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn (tới nay, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch 3 đợt cho 11 dự án, với giá trị vốn điều chỉnh 3.130 tỷ đồng),” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong năm 2021 tiếp tục có tác động tới công tác tổ chức thi công tại hiện trường. Trước tình hình này, Bộ đã yêu cầu các đơn vị trong ngành phải đảm bảo an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, ưu tiên tiêm vaccine COVI-19 cho các lao động trong ngành đồng thời tuân thủ 5K và xét nghiệm kháng nguyên định kỳ. Yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu áp dụng các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công bù lại thời gian phải tạm dừng.

Chủ đầu tư và nhà thầu có trách nhiệm xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, hướng dẫn, khuyến cáo của Chính phủ, Bộ Y tế và chỉ đạo của UBND thành phố, gửi UBND cấp huyện để kiểm tra, giám sát; thực hiện đúng phương án phòng, chống dịch khi thi công xây dựng công trình. 

Trong sáu tháng cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục giải ngân 26.090 tỷ đồng gồm 3.620 tỷ đồng vốn nước ngoài, 22.065 tỷ đồng vốn trong nước.

Những “cú đấm thép” thúc tiến độ giải ngân

Đánh giá về những khó khăn đối với nhiệm vụ giải ngân sáu tháng cuối năm của Bộ, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, các dự án mới bắt đầu triển khai cuối năm 2020 hiện nay mới đang triển khai các hạng mục phần nền, móng nên giá trị thanh toán, giải ngân không nhiều; một số dự án ODA đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt thiết kế kỹ thuật nên chưa triển khai thi công; tiềm ẩn nguy cơ giải ngân không đáp ứng tiến độ đã đề ra, khi mùa mưa bão đang đến gần; biến động giá vật liệu tăng cao (đặc biệt là giá vật liệu thép xây dựng tăng 40-50% trong thời gian gần đây) dẫn đến việc các nhà thầu có biểu hiện thi công cầm chừng.

Bên cạnh đó, ông Huy cũng thừa nhận, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong năm 2021 tiếp tục có tác động tới công tác tổ chức thi công tại hiện trường.

“Đối với nguồn vốn trong nước, để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch cần sự quyết tâm cao độ, quyết liệt chỉ đạo điều hành của thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trong việc đôn đốc đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và tích cực phối hợp với địa phương, các đơn vị có liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời cơ sở hạ tầng kỹ thuật các dự án cao tốc Bắc-Nam; 2 dự án đường lăn, cất hạ cánh sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách, các dự án ODA mới triển khai thực hiện,” vị Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư nói.

Với những dự án chậm giải ngân, Bộ Giao thông Vận tải sẽ điều chuyển vốn và quy trách nhiệm người đứng đầu nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Để thúc đẩy công tác giải ngân, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu có bản phân công trách nhiệm cụ thể lãnh đạo đơn vị, cán bộ theo dõi tiến độ thực hiện các dự án, theo dõi công tác giải phóng mặt bằng tại hiện trường các dự án báo cáo về Bộ qua Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và Vụ Kế hoạch Đầu tư để thuận lợi trong theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện của đơn vị.

[Nhiều bộ, ngành chưa có kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công]

Bộ trưởng giao các đơn vị thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện, giải ngân của từng dự án, gói thầu để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất biện pháp xử lý; thực hiện công tác báo cáo giải ngân đúng thời hạn, số liệu báo cáo phải chính xác, trung thực.

“Một số chủ đầu tư đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở đối với việc chậm chễ trong xử lý thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhưng không có chuyển biến như Sở Giao thông Vận tải Kon Tum, Gia Lai, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét không giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các cơ quan này đối với các dự án do Bộ quản lý,” người đứng đầu ngành giao thông quả quyết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý các cơ quan trong ngành giao thông quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Yêu cầu tất cả các lao động trong ngành phải thực hiện nghiêm túc quy định 5K; các chủ đầu tư và nhà thầu có trách nhiệm xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, hướng dẫn, khuyến cáo của Chính phủ, Bộ Y tế và kiểm tra, giám sát, thực hiện đúng phương án phòng, chống dịch khi thi công xây dựng công trình.

Ngoài ra, các đơn vị phải đảm bảo chất lượng công trình, coi việc đảm bảo chất lượng là ưu tiên hàng đầu ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế, dự toán; Bộ sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chất lượng, tiến độ dự án./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục