Vì sao Trung Quốc “lúng túng” trong cải cách thị trường bất động sản?

Sự lúng túng trong việc cải cách thị trường bất động sản cho thấy những thách thức đối với chiến dịch “Thịnh vượng chung” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Vì sao Trung Quốc “lúng túng” trong cải cách thị trường bất động sản? ảnh 1Các tòa nhà do tập đoàn bất động sản Evergrande xây dựng tại Quảng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tạp chí The Diplomat, Kỳ họp thứ 5 của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) khóa XIII đã khiến nhiều nhà quan sát Trung Quốc ngạc nhiên. Tuy nhiên, sự ngạc nhiên không đến từ những gì đã xảy ra, mà đến từ những gì đã không xảy ra.

Chính phủ Trung Quốc đã không thể thông qua quyết định đánh thuế tài sản. Báo cáo Công tác của Chính phủ thậm chí không đề cập đến cải cách thị trường bất động sản.

Thay đổi một chính sách sẽ dẫn đến hỗn loạn xã hội ngoài ý muốn

Sau cuộc khủng hoảng về mặt cơ cấu của lĩnh vực bất động sản trong năm 2021, việc cải cách thị trường bất động sản dường như đã trở thành nhiệm vụ không thể tránh khỏi và việc thực hiện thuế tài sản được coi là bước đi đầu tiên.

Trong một bài luận trên tạp chí Cầu Thị - tạp chí lý luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ rõ thuế tài sản là dự án hàng đầu để cải cách thị trường bất động sản. Dự án này đóng vai trò quan trọng đối với chiến dịch “Thịnh vượng chung.”

Sau bài xã luận của ông Tập Cận Bình, Quốc hội Trung Quốc đã soạn thảo và thông qua quyết định mở rộng thử nghiệm đánh thuế tài sản. Bộ trưởng Bộ Tài chính Lưu Côn tuyên bố bộ này phải “chuẩn bị cho các thử nghiệm về thuế tài sản.”

Chính vì lẽ đó, một số người đã dự đoán rằng chính quyền trung ương sẽ đưa ra thuế tài sản trong kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc năm 2022.

Thị trường bất động sản là hình ảnh thu nhỏ của mô hình tăng trưởng không bền vững của Trung Quốc. Lĩnh vực này hỗ trợ gần 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một tỷ lệ cao hơn cả Tây Ban Nha và Ireland trước cuộc khủng hoảng Eurozone.

Kể từ khi cải cách thị trường nhà ở vào cuối những năm 1990, giá nhà ở Trung Quốc đã tăng nhanh đến mức một căn hộ điển hình ở Bắc Kinh hiện có giá cao gấp 25 lần mức lương hàng năm. Giá nhà ở cao tạo thêm gánh nặng to lớn cho người Trung Quốc và kiềm hãm sức mạnh tiêu dùng cũng như đổi mới của họ.

[Lo ngại vỡ nợ gia tăng trên thị trường bất động sản Trung Quốc]

Ngoài ra, sự sụp đổ của Evergrande Group, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, cho thấy lĩnh vực bất động sản có thể trở thành một “quả bom hẹn giờ” cho nền kinh tế nước này.

Do đó, ông Tập đã biến việc cải tổ lĩnh vực bất động sản thành mục tiêu chính của chiến dịch “Thịnh vượng chung,” tuyên bố rằng “nhà là để ở, không phải để đầu cơ.”

Nguyên nhân sâu xa khiến thị trường bất động sản vốn méo mó của Trung Quốc càng trở nên bất ổn hơn đó là từ phía cung. Cuộc cải cách hệ thống tài khóa năm 1994 đã chuyển tiền thuế cho chính quyền trung ương mà không làm giảm gánh nặng đối với chính quyền địa phương.

Do đó, các chính quyền địa phương của Trung Quốc chi trả hơn 80% tất cả các khoản chi tiêu của chính phủ trong khi chỉ nhận được một nửa số tiền thuế.

Đối mặt với sự phản kháng của địa phương, Thủ tướng Chu Dung Cơ khi đó, kiến trúc sư của cuộc cải cách này, đã thỏa thuận với các địa phương cho phép họ tăng ngân sách của chính phủ bằng mọi cách.

Do đó, với sự đồng ý của Bắc Kinh, các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc sử dụng việc bán đất như một nguồn thu quan trọng nhất và giữ giá bất động sản cao một cách giả tạo.

Từ phía cầu, chính sách trấn áp tài chính nhằm mang lại lợi ích cho các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước đã tước đi các lựa chọn đầu tư khả thi của các hộ gia đình Trung Quốc. Do đó, tầng lớp trung lưu Trung Quốc coi thị trường nhà ở ngày càng bùng nổ là nơi có lợi nhất để họ đổ tiền vào. Như một nhà quan sát Trung Quốc đã nói, chỉ có thị trường nhà ở mới liên tục tạo ra lợi nhuận tích cực cho các nhà đầu tư.

Trên lý thuyết, thuế tài sản là một giải pháp hoàn hảo để điều chỉnh sự méo mó của thị trường. Chính sách thuế này vừa không khuyến khích người dân xem bất động sản như một công cụ đầu tư, vừa làm tăng ngân sách cho chính quyền địa phương.

Do đó, ông Tập đã giao cho Hàn Chính, Phó Thủ tướng điều hành và là người kế nhiệm tiềm năng cho Thủ tướng Lý Khắc Cường sau Đại hội Đảng lần thứ 20, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch đánh thuế tài sản toàn diện.

Tuy nhiên, kế hoạch đánh thuế tài sản của ông Tập đã nhận được những bình luận tiêu cực. Họ cho rằng thuế sẽ tạo thêm gánh nặng không cần thiết và trở thành vấn đề ổn định xã hội.

Ngoài ra, mục tiêu đầy tham vọng của ông Tập là kiểm soát một thị trường bất động sản không phù hợp với lợi ích của các quan chức địa phương, những người coi việc tạo ra tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ngân sách của chính phủ và ngăn chặn sự hỗn loạn xã hội là ưu tiên của họ.

Các quan chức từ Thượng Hải nhấn mạnh “ổn định” là mục tiêu quan trọng nhất trong nhiệm vụ kinh tế của họ vào năm 2022. Đối với họ, việc nhấn mạnh vào sự ổn định có nghĩa là chính quyền Thượng Hải sẽ cứu trợ các nhà phát triển bất động sản để ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường nhà ở. Một quan chức cho biết: "Giá bất động sản của Thượng Hải sẽ không bao giờ giảm, giống như giá nhà ở New York.”

Tuy nhiên, Thượng Hải khó có thể đạt được mục tiêu tăng đầu tư bất động sản vì hầu hết cơ sở hạ tầng ở thành phố này đều đã được xây dựng. Do đó, chính phủ sẽ hỗ trợ thị trường nhà ở bằng cách giải phóng các nhà phát triển bất động sản khỏi các quy định về chuyển đổi quyền sở hữu đất, nhận các khoản vay ngân hàng, bán nhà và phát hành trái phiếu.

Vậy cơ sở lý luận cho kế hoạch này là gì? Ông Tập đã nói rằng tăng trưởng GDP không còn là chỉ số duy nhất trong đánh giá cán bộ. Kế hoạch 5 năm mới cũng bãi bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm để chuyển sang tăng trưởng “chất lượng cao”, chậm hơn nhưng cân bằng hơn.

Sự phức tạp của vấn đề thị trường bất động sản của Trung Quốc, vốn tích tụ trong nhiều thập kỷ, là một thách thức khác mà ông Tập phải đối mặt. Các thể chế hiện tại có mối liên hệ gắn bó chặt chẽ với nhau đến mức việc cải cách từng bước, vốn được chính phủ ưa thích hơn là cải cách “liệu pháp sốc” toàn diện và quyết liệt, trở nên bất khả thi.

Một ngạn ngữ cổ của Trung Quốc đã khái quát hoàn hảo tình trạng hiện tại là “nhổ một sợi tóc sẽ khiến toàn bộ cơ thể di chuyển” - có nghĩa là thay đổi một chính sách sẽ dẫn đến hỗn loạn xã hội ngoài ý muốn.

Nếu thị trường bất động sản sụp đổ, Trung Quốc sẽ gặp khủng hoảng tài chính

Lĩnh vực xây dựng chiếm 16% việc làm ở thành thị. MacroPolo, một tổ chức tư vấn nội bộ của Viện Paulson, dự báo rằng sự sụp đổ của ngành xây dựng sau suy thoái thị trường bất động sản sẽ khiến 15 triệu người mất việc làm.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng đột ngột chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ổn định xã hội. Ngoài ra, các ngân hàng Trung Quốc đã dành 30% các khoản vay của họ để xây dựng nhà ở và 60% khoản vay ngân hàng được hỗ trợ bằng tài sản thế chấp. Vì vậy, nếu thị trường bất động sản sụp đổ, Trung Quốc sẽ gặp khủng hoảng tài chính.

Do đó, thuế tài sản sẽ xung đột với các chương trình xã hội lớn khác và tạo ra bất ổn xã hội ngoài ý muốn. Bất bình đẳng xã hội sẽ gia tăng chứ không phải giảm, trừ khi đi kèm với cải cách hệ thống hộ khẩu. Hệ thống hộ khẩu tách biệt cư dân thành phố với lao động nhập cư. Người lao động nhập cư không thể tiếp cận các chương trình phúc lợi xã hội ở thành phố, chẳng hạn như lương hưu, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho con cái của họ.

Mục tiêu của thuế tài sản là cung cấp một nguồn thay thế để tài trợ cho các chương trình phúc lợi xã hội để các chính quyền địa phương có thể từ bỏ kế hoạch bán đất để lấy vốn truyền thống. Có 376 triệu lao động nhập cư thành thị và họ sẽ trở thành những người đóng góp đáng kể vào bất kỳ khoản thuế tài sản nào.

Ngay cả những người không thể sở hữu nhà ở các thành phố cũng sẽ phải trả thuế bất động sản thông qua giá thuê cao hơn. Nếu không có cải cách hộ khẩu, thuế tài sản sẽ buộc những người lao động nhập cư này phải trả tiền cho các dịch vụ xã hội mà họ không được hưởng, đồng thời có thể làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa những người nhập cư thành thị và những cư dân cũ.

Sự lúng túng trong việc cải cách thị trường bất động sản cho thấy những thách thức đối với chiến dịch “Thịnh vượng chung.” Ông Tập Cận Bình coi chiến dịch này là cần thiết để không chỉ cải thiện bình đẳng xã hội mà còn tái thiết nền kinh tế Trung Quốc. Mục tiêu chính của ông là tái cân bằng kinh tế Trung Quốc từ tăng trưởng định hướng vào đầu tư, xuất khẩu hiện nay sang một mô hình phát triển bền vững hơn.

Chiến dịch nhất định sẽ vấp phải sự phản kháng từ các nhóm lợi ích, những người lo ngại rằng cải cách có khả năng gây tổn hại cho họ. Chưa kể những quan ngại về ổn định xã hội, mối quan tâm chính trong chính quyền ông Tập, cũng sẽ khiến sự thôi thúc cải cách giảm bớt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục