Vì sao Triều Tiên tiếp tục mở rộng cơ sở hạt nhân Yongbyon?

Theo các chuyên gia, việc mở rộng nhà máy làm giàu urani có thể cho thấy rằng Triều Tiên có kế hoạch tăng sản xuất urani cấp độ vũ khí tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon lên tới 25%.
Vì sao Triều Tiên tiếp tục mở rộng cơ sở hạt nhân Yongbyon? ảnh 1Phía Bắc và Tây của cơ sở hạt nhân Punggye-ri ở tỉnh Bắc Hamkyong, Triều Tiên ngày 25/9/2020. Ảnh do kênh vệ tinh 38 độ Bắc cung cấp. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Theo trang mạng Aljazeera/TNHK/Yonhap, giới chuyên gia nhận định các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Triều Tiên đang mở rộng quy mô một nhà máy làm giàu urani tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon - một dấu hiệu cho thấy nước này đang có ý định đẩy mạnh sản xuất vật liệu chế tạo bom hạt nhân.

Một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey (Mỹ) cho biết các bức ảnh do công ty hình ảnh vệ tinh Maxar chụp cho thấy một công trình đang được xây dựng ở khu vực tiếp giáp với nhà máy làm giàu urani ở Yongbyon.

Ông Jeffrey Lewis và hai chuyên gia khác tại viện Middlebury cho biết trong báo cáo của họ: “Việc mở rộng nhà máy làm giàu có thể cho thấy rằng Triều Tiên có kế hoạch tăng sản xuất urani cấp độ vũ khí tại địa điểm Yongbyon lên tới 25%."

Triều Tiên gần đây tuyên bố họ đã thử tên lửa đạn đạo lần đầu tiên trong 6 tháng trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ bị đình trệ kể từ năm 2019.

Theo báo cáo của Viện Middlebury, một bức ảnh vệ tinh được chụp vào ngày 1/9 vừa qua cho thấy Triều Tiên đã phát quang cây cối và chuẩn bị mặt bằng để xây dựng, đồng thời cũng có thể nhìn thấy một máy xúc ở đó. Một bức ảnh thứ hai được chụp hai tuần sau đó cho thấy một bức tường đã được xây dựng để bao quanh khu vực và các tấm biển được tháo gỡ khỏi mặt bên của tòa nhà làm giàu urani để tạo lối vào.

Theo báo cáo, khu vực mới rộng khoảng 1.000m2, đủ không gian để chứa 1.000 máy ly tâm bổ sung, điều này sẽ giúp tăng 25% công suất sản xuất urani được làm giàu cao của nhà máy.

Vũ khí hạt nhân có thể được chế tạo bằng urani hoặc plutoni được làm giàu cao, và Triều Tiên có cơ sở sản xuất cả hai loại vũ khí này tại Yongbyon. Tháng trước, các bức ảnh vệ tinh của Yongbyon cho thấy Triều Tiên đang nối lại hoạt động của các cơ sở khác để sản xuất plutoni cấp độ vũ khí. Triều Tiên gọi khu phức hợp Yongbyon là “trái tim” của chương trình hạt nhân.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống khi đó là ông Donald Trump vào đầu năm 2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đề xuất tháo gỡ toàn bộ khu phức hợp nếu như Mỹ đồng ý dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị từ chối.

Một số chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên đang bí mật vận hành ít nhất một nhà máy làm giàu urani bổ sung. Vào năm 2018, một quan chức hàng đầu của Hàn Quốc phát biểu tại Quốc hội rằng Triều Tiên có thể đã sản xuất tới 60 vũ khí hạt nhân.

Các ước tính về số lượng vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên có thể bổ sung hàng năm là khác nhau, dao động từ 6 đến 18 vũ khí hạt nhân.

Ngoài các vụ thử tên lửa đạn đạo, Triều Tiên cũng cho biết họ đã phóng tên lửa hành trình ra biển trong các vụ thử được coi là nỗ lực nhằm tăng cường khả năng tấn công vào Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi Mỹ có khoảng 80.000 binh sĩ đồn trú. Giới chuyên gia cho rằng tên lửa tầm xa mà Bình Nhưỡng mô tả là "chiến lược" có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoàn thành bản đánh giá kéo dài nhiều tháng về chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên vào tháng 5/2021, đồng thời cho biết Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nhưng sẽ không theo đuổi bất kỳ “món hời lớn” nào với Bình Nhưỡng.

Triều Tiên cáo buộc Mỹ tiếp tục "thù địch" đe dọa mở rộng kho vũ khí hạt nhân và phát triển vũ khí tinh vi hơn. Đài TNHK ngày 17/9 trích dẫn tin từ Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cáo buộc Mỹ có tiêu chuẩn kép đối với các hoạt động quân sự và theo đuổi chính sách “thù địch” đối với Bình Nhưỡng, điều này cản trở việc khởi động lại các cuộc đàm phán về các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Bình luận trên được đưa ra sau khi Triều Tiên và Hàn Quốc đều bắn thử tên lửa đạn đạo vào ngày 15/9, đây là động thái mới nhất trong cuộc chạy đua vũ trang, trong đó cả hai quốc gia đều đang phát triển các loại vũ khí ngày càng tinh vi hơn.

Washington lên án vụ thử mới nhất của Triều Tiên và cả một vụ thử khác trước đó vài ngày mà giới chuyên gia cho rằng đó có thể là tên lửa hành trình đầu tiên của Triều Tiên có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Washington gọi đó là mối đe dọa đối với các nước láng giềng, nhưng lại không đề cập đến việc Seoul thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

[Những vấn đề đằng sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên]

Trong bài báo được KCNA đăng tải, tác giả Kim Myong Chol, mà hãng thông tấn này mô tả là "nhà phân tích các vấn đề quốc tế," nói rằng Mỹ đã "gây phẫn nộ khủng khiếp" khi họ coi các hành động của Triều Tiên là "mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế."

Ông Kim Myong Chol viết: "Quy kết các hoạt động đó là hành vi khiêu khích vũ trang được căn thời gian cho ăn khớp với một dịp nhất định và nhằm vào một mục tiêu cụ thể, họ đã đổi trắng thay đen về những biện pháp thuộc về quyền tự vệ của chúng ta. Phản ứng ngạo mạn và tự cho mình là đúng này cho thấy một cách sống động về thái độ hai mặt kiểu Mỹ."

Không có mấy thông tin về ông Kim Myong Chol, mặc dù KCNA thường đăng các bài bình luận mang tên ông, và một số cơ quan báo chí Hàn Quốc mô tả ông là "phát ngôn viên không chính thức" của Triều Tiên tại Nhật Bản.

Ông Kim Myong Chol cho rằng Washington phải chịu trách nhiệm về tình trạng bế tắc, không thể khởi động lại đàm phán nhằm tháo dỡ các kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên để đổi lấy việc giảm các biện pháp trừng phạt.

Ông Kim Myong Chol viết: "Mặc dù hiện nay có các cuộc tiếp xúc và đối thoại, nhưng chắc chắn là Mỹ sẽ vung lên cây gậy tiêu chuẩn kép, sẽ gọi các hành động tự vệ của chúng tôi là 'mối đe dọa' đối với hòa bình thế giới và các đồng minh của họ. Chừng nào Mỹ còn chưa cam kết loại bỏ chính sách thù địch của họ đối với Triều Tiên, chừng đó thuật ngữ phi hạt nhân hóa còn chưa thể mang ra bàn thảo được."

Trong một diễn biến có liên quan, theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc có kế hoạch đưa vào hoạt động một SLBM do chính nước này sản xuất. Tuần trước, Hàn Quốc công bố SLBM do nước này sản xuất đã được phóng thử thành công từ tàu ngầm lớp Dosan Ahn Chang-ho nặng 3.000 tấn. Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới có khả năng vận hành hệ thống này trên thực địa.

Một nguồn tin chính phủ cho biết: "Một số vòng thử nghiệm nữa sẽ được tiến hành để đảm bảo độ tin cậy. Sau khi kết thúc quá trình phát triển vào đầu năm tới, Hàn Quốc sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vào nửa đầu năm 2022. Sau đó, tên lửa này có thể sẽ được triển khai cho các hoạt động thực tế từ nửa cuối năm 2022."

Là tàu ngầm lớp nặng 3.000 tấn đầu tiên của Hàn Quốc, Dosan Ahn Chang-ho được trang bị 6 ống phóng thẳng đứng. Hải quân Hàn Quốc đã nhận được chiếc tàu ngầm hạng trung này vào tháng trước.

Một nguồn tin khác của chính phủ cho biết quân đội Hàn Quốc đang nỗ lực triển khai 9 tàu ngầm hạng trung, bao gồm cả tàu Dosan Ahn Chang-ho, cho 78 đơn vị, theo từng giai đoạn phù hợp với kế hoạch mua sắm của nước này. Hàn Quốc đang thực hiện dự án đóng thêm hai tàu ngầm loại 3.000 tấn vào năm 2023 và đang có kế hoạch đảm bảo thêm sáu chiếc loại lớn hơn có tới 10 ống phóng mỗi chiếc.

Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã công bố kế hoạch phát triển tàu ngầm thế hệ tiếp theo nặng 4.000 tấn để tăng cường khả năng hoạt động dưới nước. SLBM, được cho là một biến thể của tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2B của nước này, có tầm bay tối đa 800 km.

Trong cuộc thử nghiệm dưới nước vào tuần trước, tên lửa này được cho là đã bay khoảng 400 km trước khi tấn công mục tiêu. Nó sẽ được trang bị đầu đạn thông thường vì Hàn Quốc bị cấm sử dụng hạt nhân. Tất cả sáu quốc gia có hệ thống SLBM - Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Ấn Độ - đều là cường quốc hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục