Lợi tức cao hơn lãi suất tiền gửi; thủ tục giao dịch lại đơn giản, phổ biến… là những nguyên nhân chính khiến trái phiếu doanh nghiệp thú hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, kênh đầu tư này cũng có thể mang lại nhiều rủi ro cho người tham gia nếu không tìm hiểu kỹ.
Dẫn chứng dữ liệu công bố của các doanh nghiệp và HNX, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm đến nay ước tính ở mức 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Con số tăng trưởng quy mô phát hành trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ có thể sẽ còn cao hơn do các thông tin phát hành vẫn đang được công bố.
Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành ước khoảng 783.000 tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP lũy kế 12 tháng gần nhất. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng bình quân 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến 6 tháng đầu năm nay.
Đáng chú ý, các số liệu cho thấy mức độ tham gia của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tăng khá nhanh.
Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp, tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019.
Các doanh nghiệp phát hành nhiều trong nửa đầu 2020 như Sovico, Vinfast, Vincommerce, Masan Group... đang được phân phối mạnh cho các khách hàng cá nhân trên thị trường thứ cấp.
Theo quy trình hiện nay, nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp dễ dàng hơn thông qua các quầy giao dịch của các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán, đặt lệnh mua trái phiếu doanh nghiệp qua tài khoản chứng khoán. Thậm chí, chức năng này còn được tích hợp vào tài khoản ngân hàng điện tử tại một số ngân hàng.
Thêm vào đó, các lô trái phiếu có thể tách nhỏ đến từng triệu đồng để phù hợp với nhu cầu đầu tư của khách hàng, thời hạn đầu tư cũng rất linh hoạt nhờ trung gian thu xếp giao dịch hoặc cam kết mua lại từ các đại lý.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ về mặt quy mô, tính thanh khoản và khả năng tiếp cận đã khiến trái phiếu doanh nghiệp từ chỗ là kênh đầu tư dành riêng cho tổ chức đã dần trở thành một lựa chọn đầu tư mới cho khách hàng cá nhân.
Thống kê của SSI cho thấy so với lãi suất tiền gửi, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp cao hơn từ 0,8-1,7%/năm so với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất ở các ngân hàng thương mại, thậm chí có thể cao hơn từ 1,8%-4%/năm tùy từng kỳ hạn. Với mức lãi suất này, trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn mạnh các nhà đầu tư là điều dễ thấy.
[Bộ Tài chính tiếp tục khuyến nghị rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp]
Tuy vậy, các chuyên gia của SSI cho rằng lợi nhuận thường đi kèm với rủi ro. Sở hữu trái phiếu đồng nghĩa với việc nhà đầu tư trở thành chủ nợ của tổ chức phát hành và sẽ đối mặt với các rủi ro về mất khả năng thanh toán/thanh khoản của doanh nghiệp.
Trong khi đó, hiện ở Việt Nam vẫn chưa có đơn vị trung gian độc lập định hạng các trái phiếu doanh nghiệp. Việc tự đánh giá các trái phiếu vượt quá khả năng của các nhà đầu tư cá nhân. Do vậy, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về năng lực của tổ chức trung gian phân phối trong việc thực hiện cam kết mua lại trước hạn trái phiếu và mức phí phải chịu. Trong nhiều trường hợp, mức phí bán lại trái phiếu trước hạn có thể ăn mòn hết phần chênh lệch với lãi suất tiền gửi.
Trước sự phát triển "nóng" của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính liên tục đưa ra cảnh báo rủi ro và khuyến nghị đối với doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, tổ chức phân phối trái phiếu khi đầu tư, phát hành, cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp.
Trong lần gần đây nhất (ngày 5/7/2020), Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu.
Nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ tại thời điểm dự kiến phát hành, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành); mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo của trái phiếu, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.
Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, mới nên mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao. Bởi lẽ, nhà đầu tư có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.../.